Nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ 20% cổ phiếu và tập trung vào nhóm các cổ phiếu dự báo kết quả kinh doanh khả quan. VN Index có một tuần giao dịch rất tích cực với 5 phiên tăng điểm, đặc biệt vào đầu tuần nhờ thông tin tạm ổn từ Biển Đông, giúp bứt phá luôn qua ngưỡng kháng cự mạnh 545 điểm.
![]() |
Tuy nhiên, diễn biến chính thị trường có nhiều sự trái chiều, đặc biệt là giai đoạn 2 phiên cuối tuần khi sự phân hóa diễn ra khá rõ.
Nhóm các mã vốn hóa lớn như GAS, MSN, BVH, STB, VCB… vẫn duy trì nhịp tăng tốt. Nhưng nhóm các cổ phiếu đầu cơ như IJC, GTT, SHS, HQC, DLG, KBC… đã xuất hiện tín hiệu điều chỉnh khá rõ.
Hiện tại, các vấn đề đang tạm lắng nhưng các khó khăn thật sự vẫn chưa biểu lộ ngay mà sẽ có độ trễ.
Không phải ngẫu nhiên mà tổ chức độc lập VEPR vừa ra báo cáo cho rằng kịch bản lạc quan thì nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 4,88% thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của Chính phủ 5,8%, do lo ngại ảnh hưởng giao thương của Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. (Năm 2013, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 28% tổng kim ngạch, và xuất khẩu chiếm 10%)
Các dự báo từ các chuyên gia, tổ chức, công ty chứng khoán về một năm 2014 tăng tốt cho Vn-Index, hầu hết dựa trên kịch bản một mức tăng trưởng GDP chủ yếu từ 5,3% đến 6% trong 2014. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta cần nhìn nhận một cách kỹ hơn về triển vọng trong trung và dài hạn của thị trường.
Nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ 20% cổ phiếu và tập trung vào nhóm các cổ phiếu dự báo kết quả kinh doanh khả quan năm 2014 như HT1, GAS, PVD, HPG, IMP, PVS, PXS, CSM, DBC, HUT, HDG. Đây là nhóm cổ phiếu không hoặc chỉ ảnh hưởng ít từ những tác động tiêu cực trên.
Tuần sau, khả năng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh rõ hơn đối với đa số các mã cổ phiếu..
Nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh về vùng 500 – 510 điểm trong thời gian tới thì có thể cân nhắc mua vào 20% danh mục nữa cho mục tiêu trung và dài hạn.