Quy mô thị trường vốn chưa đủ tầm
Về bản chất, hệ thống tài chính có thể được phân loại nhiều lĩnh vực nhưng lấy ngân hàng (NH) làm trung tâm và dựa trên thị trường vốn. Để nền kinh tế phát triển, ngành NH và thị trường vốn được cơ cấu một cách cân bằng.
Về bản chất, hệ thống tài chính có thể được phân loại nhiều lĩnh vực nhưng lấy ngân hàng (NH) làm trung tâm và dựa trên thị trường vốn. Để nền kinh tế phát triển, ngành NH và thị trường vốn được cơ cấu một cách cân bằng.
Hiện thị trường vốn Việt Nam còn thiếu quy mô, chủ thể và thanh khoản. TTCK Việt Nam chỉ có một số quỹ lớn như VCBS, SSI, thiếu vắng sự đa dạng của các chủ thể, loại hình khác, nên cần phải khai thác và đa dạng thêm hàng hóa cho thị trường vốn. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital |
Còn muốn nâng cao, trở thành TTTC khu vực và quốc tế, hệ thống tài chính đòi hỏi phát triển nhiều hơn. Ở đó, các tổ chức tài chính quốc tế có thể cung cấp vốn cho các dự án phát triển kinh tế. Thông qua các tổ chức đó, vốn trong nước cũng có thể được đầu tư một số dự án quốc tế.
Việc trao đổi tiền tệ phải thuận tiện và phải thiết kế hệ thống, giúp chuyển lợi nhuận đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Các quy định tài chính về thành lập định chế tài chính, hành vi kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư và sự lành mạnh của các tổ chức tài chính, cần dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh như hệ thống công nghệ thông tin, văn phòng phải được cung cấp thuận tiện và mang tính cạnh tranh. Chính sách thuế cho các công ty tài chính và nhân sự nước ngoài cũng cần thuận lợi.
Tại Diễn đàn kinh tế TPHCM 2019 mới đây, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Tập đoàn Dragon Capital, chia sẻ HOSE hình thành từ năm 2000, sau đó đến Sở Giao dịch Hà Nội (HNX) và UPCoM. Sau gần 20 năm, vốn hóa của HOSE đạt 140 tỷ USD, HNX đạt 60 tỷ USD và UPCoM đạt 40 tỷ USD. Trái phiếu chính phủ từ con số 0 đã tăng lên gần 50 tỷ USD, chiếm hơn 20% GDP.
Là trung tâm kinh tế và thương mại cả nước, TPHCM đã phát triển vượt bậc, nhất là sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP (HOSE) ra đời năm 2000.
Thị trường phái sinh mới hình thành nhưng cũng phát triển. Đây là những thành quả đáng kể. Song nhìn từ trường hợp của Dragon Capital sẽ thấy còn nhiều vấn đề đặt ra đối với thị trường tài chính Việt Nam. Dragon Capital hoạt động tại Việt Nam khá lâu, nhưng quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý mới đạt giá trị danh mục hơn 1,5 tỷ USD. Các quỹ thành viên vẫn không thể niêm yết ở TTCK Việt Nam mà phải niêm yết ở London, Thái Lan, Australia để huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Đưa ra một điển hình là Singapore, ông Andrew Vallis, thành viên sáng lập Công ty Đầu tư Blue HK Investments (Anh), cho biết TTTC Singapore bắt đầu từ những vấn đề sơ khai, đến nay đã có những thành công nhất định. Hiện TTTC Singapore đã thu hút được nhiều NH lớn trên thế giới và xây dựng được ngành tài chính mang tầm vốc quốc tế. Dù chưa là TTTC lớn như Thượng Hải, Hồng Kông, nhưng TTTC Singapore là thị trường quản lý ngoại hối tốt và tạo ra việc làm tốt trong lĩnh vực tài chính.
“Việc huy động vốn để phát triển ở Việt Nam hiện phụ thuộc lớn vào hệ thống NH. Do đó, thị trường tài chính đòi hỏi phải có nhiều công cụ tài chính khác. Và để xây dựng TTTC tầm khu vực và quốc tế, sự phát triển của thị trường vốn đủ tầm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là điều cần thiết” - ông Andrew Vallis nhấn mạnh.
Định chế tài chính còn yếu
Định chế tài chính còn yếu
Tại Việt Nam, hệ thống tài chính vẫn mang đặc thù là hệ thống NH. Thời gian qua số lượng NH nhiều và quy mô vốn được phát triển, nhưng ngành NH vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu. Muốn phát triển thành TTTC, bên cạnh vấn đề quản trị điều hành, quy mô tiềm lực tài chính của các định chế tài chính phải rất khỏe.
Thế nhưng, những NH có quy mô lớn trong hệ thống như NHTM có vốn nhà nước đang khó khăn trong quá trình tăng vốn, lại chủ yếu cho vay. Việc cung ứng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ dù đã có những bước phát triển, nhưng để đạt mục tiêu TTTC khu vực hoặc quốc tế đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều. Theo đó, định chế ngoài NH như các tư vấn chuyển tiền, tư vấn thuế, chứng khoán và hệ thống NH phải có khả năng cung ứng các dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, phát triển thành TTTC khu vực hay quốc tế sẽ có sự luân chuyển nhanh hơn của các dòng vốn quốc tế, gắn liền với vấn đề tự do hóa giao dịch vốn theo các đề án của Chính phủ. Trong khi Việt Nam đang chống đô la hóa nền kinh tế và Chính phủ chủ trương từng bước hạn chế đô la hóa.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, phát triển các lĩnh vực NH, chứng khoán, phái sinh và cả bảo hiểm là yêu cầu cần thiết để phát triển TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế. Có 2 điểm quan trọng để trở thành TTTC khu vực và quốc tế là tự do chuyển đổi đồng nội tệ và tự do hóa tài khoản vốn. Hơn nữa, TPHCM muốn thành TTTC phải trở thành trung tâm của các trụ sở, định chế tài chính. Hiện chỉ có 1/3 NH đặt trụ sở tại TPHCM và TP mới xếp thứ 69 trong tổng số quốc gia có môi trường kinh doanh tốt.
Trong bối cảnh thị trường tài chính chưa phát triển được thị trường vốn, giới chuyên gia cho rằng muốn phát triển TPHCM thành TTTC quốc tế, trước hết phải là chủ trương quốc gia, không phải là vấn đề riêng của TPHCM. Lộ trình này phải phù hợp với chiến lược phát triển của ngành NH, hoặc chiến lược phát triển của thị trường tài chính mới có thể đồng bộ, vì TPHCM không thể tách rời hệ thống tài chính tiền tệ cả nước.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn phát triển và cạnh tranh với các TTTC hiện hữu, TPHCM nên tìm kiếm thị trường ngách để tạo sự khác biệt, đột biến như xây dựng các trung tâm giao dịch hàng hóa hoặc phát triển thành trung tâm fintech sẽ khả thi hơn, thay vì đi theo những lối mòn truyền thống.