Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực hoàn thiện thể chế quản lý chất lượng, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường thương mại số đang phát triển nhanh chóng.
Được biết, luật sửa đổi, bổ sung lần này đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo một số định hướng lớn. Trong đó, chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro.
Cụ thể, phân loại sản phẩm, hàng hóa được chuyển từ phân nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo 3 mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao). Ưu tiên giám sát và hậu kiểm thay cho tiền kiểm nhằm tăng hiệu quả, giảm can thiệp hành chính.
Theo đó, với nhóm có rủi ro thấp, doanh nghiệp được phép tự công bố tiêu chuẩn áp dụng. Đối với nhóm rủi ro trung bình, ngoài việc công bố tiêu chuẩn, doanh nghiệp phải tự đánh giá hoặc thông qua tổ chức chứng nhận đã được công nhận để đánh giá sự phù hợp. Riêng nhóm sản phẩm có rủi ro cao, doanh nghiệp bắt buộc phải được chứng nhận từ bên thứ 3.
Ngoài ra, luật xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Luật cũng yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa cấp quốc gia có chức năng: kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý; thu thập, phân tích phản ánh, cảnh báo từ người tiêu dùng; hỗ trợ hậu kiểm và xử lý rủi ro chất lượng.
Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định quản lý chất lượng hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, trong đó làm rõ trách nhiệm của người bán và trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử trong việc bảo đảm chất lượng hàng hóa.
Như vậy, từ 2026, toàn bộ sản phẩm rao bán trực tuyến, không phân biệt quy mô đều phải công bố chứng nhận tiêu chuẩn theo nhóm rủi ro tương ứng.