Chủ quan
Với lần ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng tại TPHCM mấy ngày qua, các biện pháp, quy định ở nơi công cộng được chính quyền thành phố áp dụng nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn người chịu phạt từ 1-3 triệu đồng vì chuyện “quên” đeo khẩu trang. Trong 3 ngày, tổ liên ngành phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đã lập biên bản và xử phạt 9 trường hợp “quên” mang khẩu trang nơi công cộng. Tại góc đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa, lực lượng liên ngành xử phạt 3 người trong nhóm 4 người tụ tập ngồi nhậu ở vỉa hè.
Câu chuyện ý thức của người trẻ với sức khỏe chính mình và cộng đồng không phải mới. Hai lần dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng trước đây, chuyện khai báo y tế không trung thực, ý thức kém ở những khu cách ly tập trung của một bộ phận người trẻ, đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng y tế…, khiến dư luận chỉ trích dữ dội.
Bài học đó chưa cũ, thì câu chuyện “quên” mang khẩu trang ở nơi công cộng hôm nay lại càng đáng trách hơn. Một số bạn trẻ vẫn chủ quan, lơ là chuyện đeo khẩu trang; thậm chí phố đi bộ, các quán nhậu cuối tuần vẫn ghi nhận lượng khách khá đáng kể, chuyện khoảng cách an toàn gần như chẳng ai lưu ý. Ghi nhận tại khu vực các quán nước dọc đường Phan Đình Phùng (gần ngã tư Phú Nhuận), vẫn có những tốp bạn trẻ ngồi túm năm tụm ba, người đeo khẩu trang, người không và có đeo cũng như không khi khẩu trang được kéo xuống cằm để tiện trò chuyện. Tại mấy quán nhậu dưới chân cầu Kênh Xáng (quận 8) có những nhóm người thản nhiên nhậu bất chấp những cảnh báo từ chính quyền thành phố.
Kể cả khi không tiếp tục ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng thì chuyện đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tránh tập trung đông người cũng là điều cần thiết trong trạng thái “bình thường mới”. Bởi hơn hết, dịch bệnh ít nhiều vẫn còn có khả năng đe dọa cuộc sống người dân, việc tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình là điều cần thiết.
Cần đẹp hay an toàn?
“Đi không M.N?”; “Tối mai, đi coi bộ sưu tập chị N. nha”; “Đi đi, không sao đâu, kiểm soát được dịch rồi mà, khoanh vùng ca nhiễm rồi”… Đó là bình luận rủ nhau xem các đêm diễn thời trang của một số bạn trẻ, tại một fanpage về một tuần lễ thời trang vừa mới kết thúc cuối tuần qua tại TPHCM.
Một bộ phận người trẻ háo hức và mong đợi các bộ sưu tập mới hơn là câu chuyện an toàn cho bản thân và sức khỏe cộng đồng. “Lúc tới, tôi cũng có đeo khẩu trang, nhưng chụp hình, check-in ở thảm đỏ thì phải tháo ra chứ, đeo hoài cũng ngột ngạt lắm, vì ở đây là thời trang nên lúc chụp hình cũng phải có phong cách riêng một chút, mới ấn tượng”, N.T. (26 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Tân Bình) thản nhiên kể.
Không chỉ có T., nhiều bạn trẻ khác, các ngôi sao trong lĩnh vực giải trí vẫn hồn nhiên tham dự sự kiện mà chẳng mấy bận tâm đến câu chuyện khẩu trang, khoảng cách an toàn. Hàng ghế khán giả luôn chật kín người trong các đêm diễn, chứng tỏ sự chủ quan cùng “tinh thần thời trang sành điệu” đã lấn hết mọi khái niệm về việc giữ an toàn khi dịch vẫn còn.
Làm trong lĩnh vực thiết kế, việc tham dự các đêm diễn thời trang không chỉ để chụp hình check-in, hay bắt kịp các xu hướng mới, đó còn là cơ hội để giới thiệu bản thân tới các đối tác, nhãn hàng, nhưng Trần Hoàng Tấn (24 tuổi, thiết kế thời trang tự do, ngụ quận 7) bày tỏ: “Tôi nhận được vài lời mời nhưng kiên quyết từ chối vì lúc này cần hơn hết là an toàn sức khỏe cho chính mình, chứ không phải vài bộ sưu tập mới. Chẳng may, có chuyện không hay thì chính mình sẽ ảnh hưởng đến người thân rồi thêm gánh nặng cho lực lượng y tế. Mấy hôm nay, tôi chỉ theo dõi các show diễn qua mạng xã hội chứ không tham dự trực tiếp”.
“Tôi cũng làm việc trong lĩnh vực giải trí, tham dự những sự kiện như thế này cũng là tạo thêm cơ hội và mối quan hệ cho mình. Nhưng thời điểm này, tôi từ chối vì hơn hết vẫn là sự an toàn. Xem qua hình ảnh trên mạng xã hội, mọi người tham dự rất thoải mái và không ai giữ khoảng cách an toàn. Tôi quyết định ở nhà, đêm diễn nào thích thì theo dõi trực tuyến thôi”, Nguyễn Trâm Anh (25 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ.
TPHCM hiện tại cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch trong cộng đồng. Điều này giúp chúng ta bình tĩnh và tự tin hơn trong việc chống dịch, chứ không phải để lơ là, chủ quan. Khi vaccine đặc trị vẫn còn chưa phổ biến, mọi biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng là điều cần thiết, kể cả hình thức xử phạt thật nặng những hành vi vi phạm ảnh hưởng đến cộng đồng.