ATM gạo còn xuất hiện trên rất nhiều phương tiện truyền thông thế giới. Chẳng hạn, khi vào trang tin cập nhật Covid-19 của các nước trên trang Bloomberg, ta sẽ thấy hình minh họa thông tin tình hình dịch bệnh ở Việt Nam không giống với các nước.
Trong khi phần lớn hình minh họa của nhiều nước liên quan đến dịch bệnh thì chỉ độc nhất Việt Nam lại là hình ảnh cây ATM gạo với dãy người xếp hàng trật tự cách nhau 2m. Hình ảnh này đã chuyển tải trung thực tấm lòng nhân hậu, nghĩa tình và kỷ luật của người dân Việt trong thời chiến.
Thành phố là nơi quy tụ hầu hết những người lao động nghèo, vô gia cư từ khắp nơi đổ về kiếm sống. Trong khi các bộ ngành vẫn còn đang loay hoay nghiên cứu các gói tài chính hỗ trợ an sinh xã hội, thành phố đã là một trong những địa phương sớm nhất công bố gói hỗ trợ 1.858 tỷ đồng cho người lao động mất việc.
Số tiền này không là bao so với nỗi thống khổ của người nghèo, nhưng đủ nói lên tấm lòng hào hiệp nghĩa tình của người phương Nam. Hơn cả những tuyên bố hùng hồn, đó còn là dịp để ta hiểu được thế nào là phản ứng nhanh và chậm của các bộ ngành về các chính sách liên quan đến người nghèo trong lúc khó khăn nhất.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi ngân sách thành phố luôn cạn kiệt vì phải nộp về trung ương phần lớn các khoản thu. Thành phố xin cơ chế đặc thù để phát triển, mãi cũng chỉ được dăm ba điều khoản để có chi tiêu chút ít. Nay mới giật mình giữa đại dịch, nếu lãnh đạo thành phố không có những quyết sách đúng ngay từ đầu khi kiên quyết không cho các trường tiếp tục học trở lại, chỉ 1.000 ca nhiễm virus corona thôi, sẽ vỡ trận (phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân).
Hóa ra lâu nay những người làm chính sách chỉ toàn bàn về số lượng tăng trưởng, còn đầu tư cho sức khỏe con người thì hầu như ít ai quan tâm. Sau đại dịch, e rằng những địa phương có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém sẽ rất khó thu hút đầu tư nước ngoài. Thành phố ắt hẳn nên được trao quyền nhiều hơn để được chủ động cho các chiến lược phát triển kinh tế - y tế xứng tầm với một thành phố lớn.
Nghĩa tình hào sảng của người thành phố còn thể hiện qua quyết định giảm phân nửa thu nhập tăng thêm của toàn thể cán bộ, công chức trong một năm để hỗ trợ người lao động nghèo. Trong bối cảnh thất nghiệp hàng loạt do toàn dân chấp hành lệnh giãn cách xã hội, người lao động cũng mất luôn quyền bán sức lao động.
Họ phải “từ bỏ” quyền bán sức lao động mà không phải thuộc về lỗi phần mình, Nhà nước phải hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho họ là chuyện đương nhiên. Nhưng lấy từ nguồn tiền nào? Trước khi nghĩ đến dùng tiền ngân sách, hãy nghĩ đến việc chia sẻ thu nhập từ những người may mắn vẫn còn được quyền lao động và có thu nhập, nhất là đối với bộ phận 30% công chức chỉ biết “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Họ phải giảm bớt tiền lương để chia sẻ gánh nặng ngân sách giúp người không may mắn bị mất việc là chuyện công bằng và cũng là lẽ phải. Nhưng, theo kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương chỉ cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị và 50% kinh phí nước ngoài để dư ra 600-700 tỷ đồng. Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng.
Nhưng nếu như các bộ ngành, địa phương mạnh tay thêm nữa, số tiền dư ra chắc phải lên đến cả ngàn tỷ đồng, đủ tiếp thêm chút ít oxy cho người nghèo sống qua ngày. Còn nếu cắt giảm mạnh mẽ các khoản chi thường xuyên nuôi sống bộ máy quản lý cồng kềnh chiếm khoảng 60% chi tiêu ngân sách, con số tiết kiệm có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Nhìn quanh các nước khu vực, như Thái Lan mới đây đã điều chỉnh mạnh kế hoạch ngân sách năm 2020, hay nội các New Zealand tự động giảm phần lớn tiền lương, hẳn sẽ giúp chúng ta ngộ ra được nhiều việc cần làm.
Thời đại dịch toàn làm việc, họp hành online, sẽ giảm nhiều các cuộc hội họp, đi lại quốc tế mà kế hoạch cắt giảm chi tiêu sao vẫn cứ còn ngó trước ngó sau. Các nhà làm chính sách thường nói đại dịch là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để thay đổi nhiều điều. Nhưng đến chuyện đơn giản như thế vẫn còn rụt rè.
Chi bằng ta hãy bớt bàn chuyện cao siêu, chỉ cần tập trung làm tốt việc thiết thực giữa mùa đại dịch, nghĩa tình sẽ lan tỏa nhiều lắm.