Tự chủ đại học có hướng đến quyền lợi cho người học?

(ĐTTCO) - Năm học mới đã bắt đầu, không chỉ rộn ràng với học sinh các bậc tiểu học và trung học, còn gây náo nức với sinh viên các trường đại học. Đặc biệt, vấn đề tự chủ đại học có những thành tựu sơ khởi, nhưng lại đặt ra nhiều nghi ngại cho khả năng chi trả học phí của sinh viên.

Sau miệt mài 4-6 năm trên giảng đường với kinh phí chỉ riêng tiền học phí đã ngốn đến hàng trăm triệu đồng, liệu khi ra trường có dễ dàng kiếm được việc làm đúng như ngành nghề đào tạo?
Sau miệt mài 4-6 năm trên giảng đường với kinh phí chỉ riêng tiền học phí đã ngốn đến hàng trăm triệu đồng, liệu khi ra trường có dễ dàng kiếm được việc làm đúng như ngành nghề đào tạo?
Hiệu quả doanh thu khá rõ
Tại Hội nghị về tự chủ đại học, nhiều ý kiến cho rằng trong giai đoạn 2022-2026 cần đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn đã được kiểm nghiệm. Trong đó, thống nhất và làm sâu sắc hơn quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và xây dựng môi trường thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. 
Theo số liệu do Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố, Việt Nam có 5 trường đại học đạt tổng thu trên 1.000 tỷ đồng/năm là FPT, Bách khoa Hà Nội, Văn Lang, Kinh tế TPHCM, Công nghệ TPHCM. Ngoài ra, còn có những trường có tổng thu rất cao như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Công nghiệp TPHCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Đại học Nguyễn Tất Thành.
Như vậy hiệu quả đã rõ. Tự chủ đại học đã giúp nhiều trường đại học có tổng thu trên dưới 1.000 tỷ đồng. Nhưng đây cũng thực sự là tín hiệu bất ngờ. Kết quả rõ ràng nhất là thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh. Cụ thể, đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%. Bên cạnh đó, giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%, giảng viên có thu nhập trên 300 triệu đồng trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định quá trình tự chủ đại học của Việt Nam đã đi đúng, làm tốt, nhưng vẫn phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp và vượt các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tự chủ, tự quản không phải là tự do, không có sự quản lý của Nhà nước. Các trường đại học tự chủ phải tuân thủ pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình, đây cũng là xu thế chung các nước trên thế giới.
Thực hiện tự chủ đại học là chặng đường đổi mới rất dài, không chỉ có thuận lợi mà còn nhiều chông gai, gian khổ phía trước. Tự chủ đại học là quá trình cọ xát từ tư tưởng, nhận thức, đến thống nhất hành động.

Nhưng chất lượng thì sao?
Đánh giá khách quan, tự chủ đại học đã có sự thay đổi từ tư duy tới cách thức quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, phân bổ nguồn lực cũng như phát huy nguồn lực, cách nghĩ, cách cung cấp dịch vụ giáo dục, giúp các trường có nguồn lực tốt, năng lực cạnh tranh cao.
Thế nhưng, nguồn thu ngàn tỷ đồng không phải là mục đích duy nhất của tự chủ đại học, mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo và những sản phẩm khoa học phục vụ cộng đồng. Tự chủ đại học giúp các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện phát triển về quy mô và diện mạo, song vẫn chưa có nhiều chuyển biến trên các bảng xếp hạng thế giới dành cho các trường đại học uy tín. 
Sẽ là thái độ vội vàng khi cổ súy giáo dục trở thành một ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, nguồn thu ngàn tỷ đồng của các trường đại học đến từ đâu, nếu không trông cậy vào việc tăng học phí? Tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM, các chương trình đại trà có mức học phí thấp nhất cũng khoảng 22 triệu đồng/năm, còn chương trình chất lượng cao có mức học phí khoảng 45 triệu đồng/năm, và có thêm chương trình cử nhân tài năng có mức học phí khoảng 60 triệu đồng/năm.
Còn tại Trường Đại học Luật TPHCM, các ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị - Luật và Quản trị kinh doanh cùng mức 18 triệu đồng/năm. Riêng 2 lớp chất lượng cao, gồm ngành Luật (tăng cường tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Anh) và Quản trị kinh doanh có mức học phí đến 45 triệu đồng/năm.
Có những trường lấy điểm đầu vào rất cao và học phí cũng ngất ngưởng. Chẳng hạn, Trường Đại học Y Dược TPHCM, học phí ngành Răng - Hàm - Mặt 77 triệu đồng/năm, ngành Y khoa 74,8 triệu đồng/năm, ngành Dược học 55 triệu đồng/năm, ngành Y học dự phòng và Y học cổ truyền 41 triệu đồng.
Trong khi đó, tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, học phí áp dụng cho chương trình Tiếng Việt và Tiếng Anh ngành Răng- Hàm - Mặt 210 triệu đồng/năm và 250 triệu đồng/năm. Nhìn vào 2 biểu giá học phí này dường như ngành y không còn chỗ cho những sinh viên nghèo. 
Theo sự chấp thuận của Bộ Giáo dục - Đào tạo, học phí ở các trường đại học trung bình mỗi năm có thể tăng 10%. Mức tăng học phí cao hơn rất nhiều lần so với mức tăng lương của cán bộ, viên chức. Phụ huynh là những người lao động bình thường nên lo liệu học phí cho con em là sinh viên cũng là cuộc chạy đua vã mồ hôi. Sau 2 năm chống chọi đại dịch Covid-19, học phí đại học vẫn tiếp tục tăng. Và không ai dám chắc chắn, sinh viên tốt nghiệp có thể dễ dàng kiếm được việc làm đúng như ngành nghề được đào tạo. 
Vậy tự chủ đại học hướng đến quyền lợi của người học hay hướng đến quyền lợi của ai? GS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhận định việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học vẫn còn nhiều lúng túng. Hiện nay vẫn đang có xung đột giữa cơ chế tự chủ và tự quản. Vì vậy, cần xem xét sao cho phù hợp nếu không chủ trương tự chủ khó có thể thành công.
Bên cạnh đó, luật pháp cũng không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai tiền hậu không thống nhất, nửa vời. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ, mà cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học; xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.
Câu chuyện tự chủ đại học xem ra vẫn còn nhiều điều phải bận tâm, ngoài con số tổng thu đạt ngàn tỷ đồng như mong đợi. Và câu chuyện học phí vẫn còn nhiều day dứt, khi thu nhập bình quân của người Việt Nam chưa có nhiều thay đổi tích cực trong vài năm gần đây.
Liệu học phí tăng các quỹ học bổng có tăng theo, để giảng đường đại học không trở thành giấc mơ quá xa vời với những sinh viên vùng sâu, vùng xa? Đó cũng là “đơn đặt hàng” cho tự chủ đại học. 
 Nguồn thu ngàn tỷ đồng của các trường đại học tự chủ chắc chắn đến từ việc tăng học phí. Nhưng  phải căn cứ vào chất lượng đào tạo và những sản phẩm khoa học phục vụ cộng đồng. Tự chủ đại học giúp các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện phát triển về quy mô và diện mạo, song vẫn chưa có nhiều chuyển biến trên các bảng xếp hạng thế giới dành cho các trường đại học uy tín. 

Các tin khác