Tự hào thế hệ 1975

Ba mươi chín năm là thời gian đủ để hình thành một thế hệ với những định hướng mới và cả những suy nghĩ mới về xã hội. Thế hệ sinh năm 1975 - năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất - đang không ngừng phấn đấu, nỗ lực để khẳng định mình, định hình nên những đặc trưng, những dấu ấn riêng và những niềm tự hào của thế hệ.

Ba mươi chín năm là thời gian đủ để hình thành một thế hệ với những định hướng mới và cả những suy nghĩ mới về xã hội. Thế hệ sinh năm 1975 - năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất - đang không ngừng phấn đấu, nỗ lực để khẳng định mình, định hình nên những đặc trưng, những dấu ấn riêng và những niềm tự hào của thế hệ.

Ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ - Đầu tư bất động sản Nam Tiến:

Nỗ lực tạo dựng thương hiệu

Sinh ngày 30-5-1975, tôi xem đó là một niềm vui, niềm vinh dự khi ngày sinh, tháng đẻ của mình gần với ngày thống nhất đất nước. CTCP Dịch vụ - Đầu tư bất động sản Nam Tiến của tôi ra đời năm 2009 khi thị trường đang trong giai đoạn khó khăn. Với thông điệp “Năm nay phải hơn năm qua - Năm tới phải hơn năm nay”, Nam Tiến đã nỗ lực để tạo dựng thương hiệu, uy tín trên thương trường.

Tuy nhiên, doanh nghiệp còn quá non trẻ, lại gần như tạo lập từ đầu, nên tôi xác định phải tìm cho mình lối đi riêng để tồn tại và phát triển. Thời gian qua Nam Tiến chủ yếu phân phối và hợp tác đầu tư đất nền tại một số khu đô thị mới ở Bình Dương, Đồng Nai và một tỷ lệ nhỏ phân khúc căn hộ tại TPHCM.

Sản phẩm Nam Tiến hướng đến có tiềm năng phát triển, pháp lý rõ ràng. Đặc biệt chúng tôi tập trung đầu tư vào bất động sản Long Thành (Đồng Nai) nhằm đón đầu cơ hội phát triển của sân bay quốc tế Long Thành. Trăn trở lớn nhất hiện nay của tôi là mong thị trường bất động sản phát triển bền vững, các chính sách về đất đai minh bạch, ổn định; doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nguồn vốn để phát triển các dự án mới.

 Bộ mặt đô thị của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng thời gian qua đã có bước phát triển rất lớn. Tại TPHCM hàng loạt công trình hạ tầng giao thông như hầm - cầu Thủ Thiêm, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TPHCM- Trung Lương, các tuyến vành đai… đã được đầu tư đưa vào sử dụng, tạo đà cho kinh tế - xã hội TP vươn lên tầm cao mới. Đây cũng là nền tảng cho các dự án bất động sản gia tăng giá trị.

Nắm bắt cơ hội này, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng Nam Tiến trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực bất động sản, với tiêu chí “Uy tín - Chất lượng - Đạo đức kinh doanh”. Theo đó, chúng tôi đang xây dựng hệ thống dữ liệu và thông tin nghiên cứu thị trường nhằm nắm bắt và dự báo được hướng đi của thị trường bất động sản, giúp cho khách hàng có sự lựa chọn tối ưu nhất.

Ngoài chức năng dịch vụ môi giới, Nam Tiến đang nỗ lực không ngừng để phát triển trở thành chủ đầu tư có uy tín trên thị trường bất động sản. Tạo niềm tin tuyệt đối và tạo ra giá trị bất động sản gia tăng cho khách hàng và nhà đầu tư.

Thượng úy Đào Quang Bá, Phân đội phó Phân đội 37, Đảo Song Tử Tây:

Tự hào tiếp nối truyền thống cha anh

Được sinh ra ở thời điểm đất nước vừa hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, đối với tôi đó thực sự là một niềm tự hào. 39 năm đất nước đổi mới, phát triển cũng chính là 39 năm tôi trưởng thành, trải qua những biến đổi quan trọng trong cuộc đời.

Và càng tự hào hơn khi bây giờ tôi lại được tiếp nối truyền thống cha anh, là một người lính, cầm chắc tay súng, giữ yên bình cho biển trời Tổ quốc.

Năm 1997 có thể coi là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời tôi khi lần đầu tiên đặt chân ra quần đảo Trường Sa, cụ thể là đảo Nam Yết làm nhiệm vụ. Thời điểm đó, cả đảo chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, không nhiều bóng cây xanh, cả nước ngọt và rau xanh đều thiếu thốn, chúng tôi phải chắt chiu từng chút nước ngọt, tiết kiệm từng lá rau xanh.

Nhưng điều đó cũng chưa là gì so với nỗi nhớ nhà, 6 tháng một bức thư mới ra đến nơi, ai cũng chuyền tay nhau đọc. Thiếu thốn đủ bề, thế nhưng những người lính trên đảo luôn tràn đầy lý tưởng và hoài bão. Những tháng ngày đó đối với tôi cứ như mới hôm qua.

Trong suốt hơn 16 năm gắn bó với Trường Sa, tôi đã làm nhiệm vụ trên rất nhiều đảo, từ Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa lớn, Len Đao, Đá Lớn, Song Tử Tây… mỗi hòn đảo đều chất chứa những kỷ niệm rất khó phai mờ. Để có những hòn đảo xanh, yên bình như hiện nay, máu xương cha anh đã đổ xuống, nhiều đồng đội cũng đã hy sinh trong quá trình xây dựng và gìn giữ đảo. Chính vì thế, dù còn nhiều gian khổ nhưng chưa bao giờ chúng tôi lơ là nhiệm vụ.

Nếu có một điều gì đó khiến tôi cảm thấy phải suy nghĩ, đó chính là sự thiệt thòi của vợ và 2 cô con gái ở nhà. Hơn 10 năm kết hôn, số thời gian tôi ở nhà chỉ tính bằng tháng, vợ phải vừa là mẹ, vừa là bố, vừa đảm đương những công việc của trụ cột trong gia đình.

Mỗi khi về phép, con gái nhỏ luôn mất cả chục ngày để quen với bố. Nhưng lính đảo mà, tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng, phải luôn nâng cao cảnh giác, luôn phấn đấu hết mức để hoàn thành nhiệm vụ, luôn xứng đáng vì mình được sinh ra vào một trong những năm tháng quan trọng nhất của đất nước.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Brother International  Việt Nam:

Nắm bắt cơ hội, chìa khóa thành công

Thế hệ những người sinh năm 1975 như chúng tôi được xem như thế hệ giao thoa. So với các anh chị thuộc thế hệ trước chúng tôi may mắn hơn vì đất nước đã hòa bình. Nhưng so với thế hệ sau này chúng tôi cũng không thể bằng vì các bạn có điều kiện học tập và tiếp cận kiến thức nhanh hơn, tốt hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi lại được xem như rơi trúng điểm vàng về cơ hội. Bởi vào khoảng năm 1995 trở đi đất nước chuyển biến theo nền kinh tế thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rót vốn vào Việt Nam, nên cơ hội mở ra rất nhiều.

Là một người kinh doanh trong tập đoàn đa quốc gia, có dịp gặp gỡ những đồng nghiệp ở nhiều nước trên thế giới, tôi nhận thấy người Việt Nam phải rất nỗ lực do xuất phát điểm của mình chưa bằng họ. Cũng có người hỏi tôi tại sao không làm một cái gì đó cho riêng mình.

Tôi nghĩ ở đây, trong môi trường của tập đoàn đa quốc gia tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều. Và nếu ai đó hỏi tôi như thế này đã gọi là thành công chưa, cũng thật khó để biết được đâu là giới hạn cho sự thành công. Chỉ biết tôi đang rất hài lòng với công việc và cuộc sống của mình.

Môi trường kinh doanh luôn có những thách thức và với riêng mình tôi xem đó như là một phần của công việc hàng ngày mà mình phải giải quyết. Khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.

Chúng tôi cũng không thể thay đổi sức mua của người tiêu dùng. Và lúc này, đứng trước một bài toán khó, tôi chỉ còn biết nỗ lực nhiều hơn để có thể dành thị phần từ đối thủ. Song dù khó khăn, tôi luôn có niềm tin kinh tế sẽ sớm phục hồi, năm nay tình hình sẽ bớt khó khăn hơn.

Như tôi đã nói, thế hệ chúng tôi rơi vào điểm vàng, cơ hội mở ra rất nhiều. Song với các bạn trẻ hiện nay không phải không có cơ hội. Ở thời nào, cơ hội cũng có nhưng quan trọng là mình có biết nắm bắt hay không. Các bạn trẻ hôm nay có điều kiện được học tập tốt hơn, các bạn cũng năng động hơn. Nhưng theo tôi nếu muốn thành công các bạn cần kiên định theo mục tiêu ban đầu của mình.  

Ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc CTCP Gỗ Đức Thành:

Bí kíp vượt qua thách thức

Có thể nói, thế hệ doanh nhân sinh năm 1975 như tôi luôn có một niềm tự hào đặc biệt và luôn ấp ủ mong muốn góp sức cho sự phát triển của đất nước. Bởi chúng tôi là thế hệ đầu tiên được thừa hưởng nền cải cách giáo dục, nắm bắt rõ nhất về những trang sử hào hùng của dân tộc, của thế hệ cha anh đi trước, đồng thời cũng được tiếp thu những kiến thức kinh doanh mới, được tiếp cận với công nghệ hiện đại, internet…

Đi qua những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, vất vả trong thời kỳ bao cấp, chúng tôi đã có những trải nghiệm để biết thận trọng hơn, nỗ lực cố gắng hơn để từng bước vượt qua những thách thức của nền kinh tế.

Tôi được trao quyền điều hành công ty khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ, dưới áp lực phải giữ được mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Nhưng chính trong thời điểm khó khăn này, tôi biết mình phải tỉnh táo, phải biết ứng dụng khéo léo những gì đã học hỏi được để lèo lái công ty.

Cụ thể, tại CTCP Gỗ Đức Thành, chúng tôi đã áp dụng những công nghệ thông tin tiên tiến, những công thức quản trị mới, hình thức quảng bá thương hiệu mới. Tôi sẵn sàng giao quyền và cho anh em cán bộ cấp trung dần tự chủ trong việc quản lý, đề xuất biện pháp cũng như giải quyết công việc trong bộ phận mình. Đồng thời, quá trình đổi mới sản xuất kinh doanh cũng đi theo tiêu chí dung hòa giữa cách quản lý cũ và mới, dung hòa giữa thế hệ cũ và thế hệ mới để tạo nên sức mạnh.

Năm 2012, khi thị trường châu Âu có biến động, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo công việc cho nhân viên, tôi đã mạnh dạn thực hiện kế hoạch thâm nhập, khai thác những thị trường mới, thị trường ngách ở châu Á.

Chính điều này đã giúp tỷ trọng xuất khẩu gia tăng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt mục tiêu đề ra. Song song đó, tôi cũng tìm tòi phát triển sản phẩm sang các thị trường láng giềng như Lào, Campuchia và bắt được những tín hiệu tốt.

Đến nay, Đức Thành cũng đã thu được kết quả khả quan từ các thị trường này. Mặc dù gặp không ít khó khăn khi triển khai các giải pháp vượt khó nhưng nhờ sự tin tưởng, hợp tác nhiệt tình của cán bộ, nhân viên, Đức Thành đã vượt qua giai đoạn khó khăn kép của Việt Nam.

Bằng chứng, khi thị trường thế giới và nội địa đều đi xuống, Đức Thành vẫn tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, bình quân doanh thu tăng trưởng đều đặn qua các năm 15%. 

Các tin khác