Từ khóa 'mất việc' khiến người tiêu dùng lo lắng

(ĐTTCO) - Quý IV-2024, dù GDP rất cao nhưng niềm tin người tiêu dùng vẫn chưa được phục hồi. Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong quý I năm nay khi từ khoá "mất việc" bắt đầu xuất hiện.

Cuối tuần trước, tại hội thảo "Am hiểu và thích ứng - những giải pháp thực chiến cho doanh nghiệp" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam, đã có những chia sẻ về niềm tin của người tiêu dùng.

Theo bà Nga, qua các khảo sát của Kantar Worldpanel Vietnam, người tiêu dùng đang lo lắng nhiều hơn. Năm 2019 (trước Covid-19) là một thời điểm cột mốc. Trước thời điểm này, xuất khẩu tăng, lương tăng mỗi năm, bức tranh chung tất cả đều tích cực do đó tiêu dùng nội địa rất tốt. Nhưng sau khi Covid-19 tới mọi sự đã thay đổi. Mức độ tin tưởng lạc quan của người tiêu dùng hạ thấp và biến thiên theo mức độ dịch.

Đến cuối năm 2023, khi kinh tế phục hồi, GDP tăng trưởng tốt, nhưng giá thực phẩm tươi sống tăng và làn sóng sa thải kéo đến Việt Nam, cũng khiến người tiêu dùng không thể lạc quan. Đến gần cuối năm 2024, khi niềm tin đang phục hồi thì cơn bão Yagi kéo tới. Đến quý IV-2024, GDP rất cao, nhưng niềm tin người tiêu dùng vẫn chưa được phục hồi.

“Chúng tôi chưa có dữ liệu đầy đủ về chỉ số niềm tin người tiêu dùng, nhưng dự báo quý I niềm tin chưa phục hồi tốt, bắt đầu xuất hiện từ khóa “mất việc” trên các phương tiện thông tin đại chúng”, bà Phương Nga nói.

Cũng theo bà Nga, ngành hàng FMCG tăng trưởng chậm lại trong 3 năm gần đây. Thị trường phục hồi nhẹ trong 2 tháng đầu năm, nhưng thách thức là rất lớn. Nhìn về phía người tiêu dùng, bà Nga cho biết sự tăng giá các sản phẩm thiết yếu tạo ra áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng. Nhiều khi chưa có chuyện gì xảy ra nhưng đi chợ thấy giá tăng là lo lắng. Họ sẽ cân đo đong đếm, so sánh giá nhiều hơn.

Đề xuất giải pháp thực chiến cho doanh nghiệp, bà Nga lưu ý 3 điểm. Thứ nhất, giá trị và chất lượng hàng hóa sẽ ngày càng quan trọng trong bối cảnh người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu kĩ càng hơn. Thứ 2, không phải tăng trưởng doanh số nào cũng đồng nghĩa với tăng trưởng bền vững. Thứ 3, hiểu rõ vai trò của từng kênh phân phối trong mục tiêu tăng trưởng của nhãn hàng.

Các tin khác