Viết về Người là viết về cốt cách con Rồng cháu Tiên, là người Việt Nam mới thời đại mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trong số nhà văn, nhà báo ấy, GS.TS Trình Quang Phú được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá là nhà văn thành công, có nhiều sách viết về Người. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng và cầm viết, nhà văn Trình Quang Phú đã xuất bản trên 40 đầu sách, có nhiều cuốn viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý, trong đó có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần và được dịch ra tiếng nước ngoài. “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” là một trong những cuốn sách như thế.
Đó là một trong những cuốn sách hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hay trước hết ở tính chân thật của các câu chuyện nhà văn Trình Quang Phú kể. Với bút pháp tả thực và sự quan sát tỉ mỉ, sự chọn lọc tinh tế cùng tình cảm sâu đậm của mình với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhà văn Trình Quang Phú đã góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn phẩm chất con người công dân và con người lãnh tụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Người là Cha là Bác là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ".
Qua ngòi bút của nhà văn, chúng ta hiểu thêm cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tình cảm của Bác với miền Nam và miền Nam đối với Bác. Chỉ là những câu chuyện giản dị, với lối kể chuyện hấp dẫn, nhà văn đã khắc họa chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Từ làng Sen, dấu chân người thanh niên Nguyễn Sinh Cung in đậm dọc dài miền Trung, xuyên hết chiều dài đất nước. Từ quê hương ông Đồ xứ Nghệ, chàng thanh niên - thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đến bến Nhà Rồng. Và, cách nay đúng 110 năm, ngày 6-5-1911, Người đã ra đi tìm đường cứu nước.
Đọc “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, người đọc cảm nhận được những bài học vô cùng quý báu về việc hình thành nhân cách và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng. Nhất là trong tình hình hiện nay, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh" đang đi vào cuộc sống. Từ sức mạnh tinh thần chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện lời Bác dạy, kiên định và kiên trì đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; xây dựng đất nước ta theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
“Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” sống với thời gian đã phân nửa thế kỷ, rất vui là vào dịp này, kỷ niệm 110 năm Bác Hồ rời bến sông Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật tái bản tác phẩm này và theo tác giả đây là lần xuất bản thứ 20. Như tác giả đã nói tác phẩm sống với các thế hệ là sự biểu hiện nhất quán của dân tộc ta đối với người anh hùng giải phóng dân tộc, là tình cảm sâu sắc của các thế hệ người Việt Nam với Bác Hồ kính yêu.