Hồ Trị An rộng 323km2 thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom và Định Quán. Hồ nước và cảnh quan quanh hồ rất thơ mộng, nơi đây có rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ và những khoảng đất rộng rãi.
Hồ Trị An chỉ cách TPHCM 70km, Biên Hòa 30km, Thủ Dầu Một 85km, nên vào cuối tuần, hàng ngàn người đổ về đây, nhất là các bạn trẻ chạy xe máy đến để cắm trại, câu cá, thả diều, vui chơi, nấu nướng nhộn nhịp.
Nắm bắt nhu cầu, nhiều nhà đầu tư mua đất rừng, rẫy bằng giấy tay (do đất chưa có sổ đỏ), rồi dựng lều trại, quán cà phê, cơ sở lưu trú. Các cơ sở này đầu tư hàng loạt lều trại bằng khung sắt, lợp mái lá, đổ nền kiên cố. Để hút du khách, ngoài nghỉ dưỡng, ăn uống, các dịch vụ liên quan đến sông nước như ca nô, kayak, chèo sup cũng được triển khai. Một số người dân ở địa phương cũng làm theo, khiến các điểm du lịch mọc lên "như nấm sau mưa".
Thấy tình hình có vẻ vượt quá tầm quản lý của địa phương, vào tháng 4 vừa qua, UBND xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và Công ty Thủy điện Trị An, lập đoàn cưỡng chế các công trình du lịch sinh thái xây dựng trái phép ở hồ Trị An. Với những công trình kiên cố, các cơ sở không hợp tác, lực lượng chức năng cho xe múc phá bỏ, trả lại nguyên trạng; đồng thời bố trí dân phòng ngăn không cho dân cư đến vui chơi.
Chính quyền địa phương có lý khi làm như vậy, họ sợ những hệ lụy tiêu cực xảy ra như gây rối mất trật tự an ninh, cháy nổ rừng phòng hộ, các tai nạn có thể xảy ra và cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà kinh doanh địa phương với nhau và nơi khác đến.
Nhưng nhìn từ phía khác, làm như thế là mất đi điểm vui chơi giải trí lý tưởng cho người dân, nhất là các bạn trẻ, trong bối cảnh người dân TPHCM quá thiếu chỗ chơi. Những ngày nghỉ dài như lễ, tết, người dân có thể đi Phú Quốc, Nha Trang, Thái Lan. Nhưng nghỉ cuối tuần đúng là bí chỗ đi chơi, nên khi phát hiện ra địa điểm đẹp, lý tưởng về không gian, thời gian, các bạn trẻ nhào đến ngay, và hiệu ứng lan tỏa nhanh chóng qua mạng. Chỉ một thời gian ngắn, lượng người kéo đến ngày một đông.
Thật ra, có nhiều hoạt động xã hội xuất hiện không phải theo kế hoạch của Nhà nước, mà bắt đầu từ người dân, sau đó chính quyền hợp thức hóa rồi đưa vào quy củ. Nên biết, trước năm 1698, ở vùng đất Nam bộ này đã có lưu dân như người Việt, Hoa, Khmer từ các nơi tới sinh sống, khai phá. Đến năm 1698 Chúa Nguyễn sai Tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào cắm cờ, ra tuyên ngôn thành lập nên Sài Gòn và các vùng khác nhau thuộc Việt Nam.
Nhiều du khách trải nghiệm chèo thuyền giữa lòng hồ Trị An. |
Người ta gọi đó là “dân đi trước, nhà nước theo sau”. Chuyện ấy cũng thường tình, bởi chính quyền thì nhỏ, dân thì lớn, mà người dân có mặt khắp nơi, họ sáng tạo, tìm tòi ra nhiều thứ để đáp ứng nhu cầu của chính mình. Chính quyền thấy phù hợp cho tồn tại, nếu thấy chưa ổn chỉ dẫn điều chỉnh, còn thấy làm phương hại đến an ninh quốc gia, hay tổn hại xã hội nặng nề sẽ cấm đoán. Ngày nay, phát triển đô thị cũng vậy, có nhiều lĩnh vực, khu vực người dân làm trước, chính quyền thấy hay thì ủng hộ.
Chuyện không mấy ai biết, trong bản quy hoạch TPHCM đầu tiên năm 1992 do chuyên gia Liên Xô làm cố vấn, năm 1993 Chính phủ chính thức phê duyệt, hướng Nam TP gồm Bình Chánh, Nhà Bè không được coi là hướng phát triển chính, bởi đây là vùng đất trũng, nền đất rất yếu, ngập nước quanh năm, phèn chua, nước lợ, không cây gì sống được. Còn hướng phát triển chính là Đông và Bắc.
Nhưng người dân thấy ở phía Nam TP sống được, đất rẻ nên kéo về mua đất làm nhà, thế là dần hình thành nên phố thị. Thậm chí, việc ra đời khu đô thị Phú Mỹ Hưng sầm uất cũng nằm ngoài kế hoạch phát triển của Nhà nước, do Công ty CT&D của Đài Loan đề xuất đầu tư theo kiểu “được ăn cả ngã về không”.
Nhận thấy sự tuyệt vời của các chương trình “không theo kế hoạch” này, chính quyền TPHCM ủng hộ và hỗ trợ mọi mặt để có được vùng đất Nam Sài Gòn như ngày nay.
Quay trở lại với trường hợp hồ Trị An, lẽ ra Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai khi thấy người dân phát hiện ra địa điểm hấp dẫn và nơi đó tỏa ra lực hút kéo được đông đảo mọi người đến, phải hiểu mình đang sở hữu một mỏ vàng và cơ hội làm ăn tuyệt vời. Bởi lẽ, không phải cứ có đầm hồ, cây cảnh, hoa lá là dân tình kéo đến, bằng chứng là nhiều công viên rất hoành tráng nhưng người dân không đến, nhiều resort bề thế không có khách.
Vì thế, tỉnh Đồng Nai cần nắm bắt cơ hội này. Theo đó, lập dự án đầu tư, quy hoạch bài bản, tập trung nguồn nhân lực khai thác, nhất định sẽ thành công. Khách du lịch, người dân tứ xứ có chỗ chơi, người dân địa phương có công ăn việc làm, còn tỉnh ngoài việc có thêm điểm du lịch nghỉ dưỡng giá trị và ngân sách tỉnh gia tăng từ việc thu thuế và phí.
Ở Indonesia, người dân ở làng Jodipan, Đông Java thấy làng mình buồn tẻ quá, bèn rủ nhau trang trí, sơn phết làng mọi màu sắc. Ban đầu chính quyền tính cấm, vì theo họ như thế phá vỡ cấu trúc một Kampung (làng truyền thống).
Nhưng rồi chính quyền để yên cho dân làm thử, nào ngờ nó nổi tiếng khắp thế giới, khách du lịch quốc tế nườm nượp kéo đến và đặt tên cho nó là làng “cầu vồng”. Không phải mọi hoạt động tự phát, hay “không theo kế hoạch” là dở. Quan sát và suy ngẫm sẽ thấy nhiều cái rất hay.