Muốn mức lương cao, môi trường làm việc năng động, có cơ hội phát triển nghề nghiệp là nguyên nhân khiến người lao động khó tìm việc làm.
Từng có kinh nghiệm quản lý sản xuất ở Công ty Nishin (Nhật) vì muốn gần gũi gia đình nên anh Nguyễn Trí Văn quyết định trở về Việt Nam. Khi về TPHCM, anh đã gửi hồ sơ tìm việc ở nhiều nơi, trong đó có cả mạng tìm kiếm việc làm.
Không tìm được việc làm phù hợp
Trong hồ sơ dự tuyển, ngoài mức lương đề nghị là 10 triệu đồng, anh Văn cũng mong muốn nơi làm việc mới có môi trường năng động giúp anh phát triển nghề nghiệp. Thế nhưng, sau khi gửi hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, anh vẫn chờ việc. “Tạm thời, tôi đang ở nhà để nghỉ ngơi, chờ cơ hội việc làm mới. Với kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ sẽ có được việc làm như mong muốn” - anh Văn tâm sự.
Còn với anh Nguyễn Văn Trên, từng có 6 năm kinh nghiệm quản lý dự án, bảo trì, giám sát thi công... cũng vì muốn thay đổi môi trường làm việc mà anh đã quyết định từ bỏ công việc giám sát dự án tại công ty sản xuất thực phẩm đóng tại huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai.
Hiện anh đang ứng tuyển vào vị trí quản lý dự án với mức lương trên 8 triệu đồng. Thế nhưng, thời gian qua anh vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp.
Kết quả nghiên cứu thị trường lao động TPHCM do Viện Lao động Khoa học Xã hội (ILSSA) phối hợp cùng Viện Friedrich Elber Stiftung (Đức) tiến hành tại TPHCM cho thấy thất nghiệp xảy ra nhiều nhất là ở nhóm lao động không có trình độ tay nghề và nhóm có trình độ cao từ đại học trở lên.
Điều đáng nói là gần 50% số người thất nghiệp do không tìm được việc làm với mức lương như mong muốn.
Bà Nguyễn Huyền Lê, Trưởng Phòng Quan hệ lao động tiền lương ILSSA, cho biết: Nguyên nhân lớn dẫn đến thất nghiệp là do người lao động muốn tìm công việc có mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn cùng cơ hội thăng tiến cũng như địa điểm phù hợp. Đó cũng là lý do khiến số lượng người lao động thất nghiệp tự nguyện gia tăng.
Lãng phí nguồn nhân lực
Theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, hiện có đến 50% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là công nhân kỹ thuật và sơ cấp nghề cho ngành sản xuất chế biến nhưng nhu cầu này chỉ được đáp ứng hơn một nửa.
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc trung tâm, cho rằng: “Mỗi năm, TPHCM vẫn còn 20% sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm. Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng... gây lãng phí rất nhiều trong lĩnh vực đào tạo”.
Trong khi nhiều sinh viên không tìm được việc làm thì ở nhiều doanh nghiệp lại tái diễn tình trạng thiếu hụt lao động. Kết quả khảo sát còn cho thấy: 52% chủ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực qua đào tạo xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do TPHCM phát triển đa dạng loại hình dịch vụ nhất là việc làm ở khu vực phi chính thức đã tạo ra khối lượng việc làm khá lớn cho người lao động.Thứ hai, do chất lượng lao động và cách sử dụng lao động của chủ doanh nghiệp. Bà Nguyễn Huyền Lê nhấn mạnh: “Lao động có trình độ trung cấp sau khi ra trường được tuyển vào làm việc tại doanh nghiệp nhưng lại được sử dụng và trả lương như lao động không được đào tạo về chuyên môn. Điều đó dẫn đến hậu quả là ít người muốn học nghề, thiếu hụt lao động kỹ thuật trên thị trường”.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy tiền lương bình quân của thị trường lao động TPHCM gần 4,1 triệu đồng/lao động/tháng trong khi mức lương bình quân cả nước chỉ 2,9 triệu đồng. Các ngành: Tài chính, tín dụng có tiền lương cao nhất với hơn 6,2 triệu đồng/tháng; mức lương thấp nhất thuộc về những người làm thuê cá nhân và hộ gia đình với 2,7 triệu đồng/tháng.