Liên minh châu Âu (EU) là thị trường có nhu cầu lớn lượng nông sản nhập khẩu, nhưng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và quy định nghiêm ngặt về mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, mới đây Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất dự thảo luật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng có liên quan đến nạn phá rừng. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU không tuân thủ theo các quy định rất dễ bị cấm xuất khẩu, thậm chí có thể nâng mức kiểm tra, giám sát và ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vào thị trường này.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, từ khi có Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) nên rau quả Việt Nam có giá cạnh tranh hơn so với các nước chưa có Hiệp định thương mại. Nhưng đổi lại hàng hóa phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường EU; trong đó, đặc biệt có quy định về hàm lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm.
“EU áp dụng rất nghiêm ngặt quy định này. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu đi EU phải đạt chứng chỉ, trình độ sản xuất theo GlobalGAP. Nếu không đạt trình độ sản xuất theo tiêu chuẩn này không thể xuất khẩu sang EU,” ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
EU là thị trường không phải mở cửa cho từng sản phẩm. Việt Nam có thể xuất khẩu vào thị trường này, nhưng yêu cầu phải đảm bảo chất lượng. Nếu doanh nghiệp sản xuất không đảm bảo chất lượng sẽ thiệt hại rất nặng nếu bị phát hiện vi phạm. Họ kiểm tra không chỉ tại cảng khi nhập hàng mà còn kiểm tra cả khi hàng đã được bày bán, tiêu thụ.
Mới đây, EU đã ban hành Quy định số 2021/1900, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm và hoa quả gồm rau mùi là 50%, húng quế 50%, bạc hà 50%, rau mùi tây 50%, đậu bắp từ 50%, hạt tiêu 50% và thanh long 10%. Quy định này dự kiến được áp dụng từ ngày 23/11 tới.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, mặt hàng rau thường sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì một số mẫu, lô hàng trước đây bị kiểm tra còn tồn dư lượng nên EU tăng tần suất kiểm tra. Doanh nghiệp nếu vi phạm nhiều lần, EU có thể tăng tần suất kiểm tra, thậm chí cấm xuất khẩu vào thị trường. Ngoài ra, EU còn tiến hành hậu kiểm nên dù hàng hóa đang được tiêu thụ, bày bán tại siêu thị, cửa hàng nếu không đạt chất lượng vẫn bị thu hồi, kể cả hàng hóa còn trong kho.
"Khi kiểm tra hàng hóa nhập khẩu chỉ kiểm tra xác suất 10, 20 hay 50% nên vẫn còn tỷ lệ hàng hóa chưa kiểm tra. Nếu họ kiểm tra lại và phát hiện tình trạng vi phạm sẽ bị cảnh báo, thu hồi. Do đó, doanh nghiệp cần có quy trình sản xuất tốt để đảm bảo sự đồng đều của sản phẩm," ông Đặng Phúc Nguyên khuyến cáo.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay, vừa qua có một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bị Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu tại cửa khẩu. Trong trường hợp doanh nghiệp bị trả hàng ngay tại cảng thị thiệt hại nhỏ, nhưng nếu bị phát hiện vi phạm khi được bày bán thì doanh nghiệp có thể mất luôn khách hàng bởi kéo theo doanh nghiệp nhập khẩu cũng bị thiệt hại.
Theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, khi bị cảnh báo như vậy thì không chỉ các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam ảnh hưởng mà cả hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào EU cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là một trong những thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn của Việt Nam với lượng nhập khẩu chiếm 23% mỗi năm.
“Việc EU tăng tần suất kiểm tra thực tế đối với hồ tiêu lên 50% sẽ khiến việc xuất khẩu vào EU ngày càng khó khăn trước sự cạnh tranh của các nước,” đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết trong quá trình sản xuất hồ tiêu do sâu bệnh gây hại nên người nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng chống. Tuy nhiên, một số nông dân dùng loại thuốc kém chất lượng, thuốc bị cấm, sử dụng không đúng cách hoặc chưa đủ thời gian cách ly nên dẫn tới tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu.
Một nguyên nhân khác có thể bị nhiễm chéo trong quá trình sản xuất và lưu trữ của người nông dân. Do đó, doanh nghiệp phải liên kết sản xuất với người nông dân theo quy trình canh tác bền vững như: tập huấn kỹ thuật, quy trình canh tác thông quan nhật ký nông hộ... để đảm bảo nguyên liệu đầu ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Đối với doanh nghiệp thu mua trực tiếp từ các đại lý, thương lái cũng cần có thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm từ người bán và khi xuất khẩu doanh nghiệp phải nắm rõ quy định của các thị trường về mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật (MRLs).
“Để tránh được tình trạng vi phạm, các doanh nghiệp phải làm tốt hơn nữa khâu kiểm nghiệm sản phẩm khi xuất khẩu cũng như tăng cường liên kết sản xuất để tạo ra vùng nguyên liệu sạch và an toàn,” đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, EU là thị trường cao cấp, yêu cầu chất lượng rất cao, quy định về MRLs ngày càng siết chặt. Do vậy, để tránh bị thiệt hại các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ quy định MRLs trước khi xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài yêu cầu về chất lượng sản phẩm, khách hàng EU ngày càng quan tâm hơn đến đóng góp của doanh nghiệp vào sự phát triển cộng đồng và môi trường. Do đó, liên kết phát triển bền vững sẽ là hướng đi lâu dài cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Điển hình như việc EC đề xuất dự thảo luật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng có liên quan đến nạn phá rừng. Theo dự thảo luật này, các công ty phải chứng minh chuỗi cung ứng toàn cầu của họ không góp phần vào việc tàn phá rừng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, bản thân doanh nghiệp, nhà sản xuất phải tuân thủ đúng quy định của thị trường nhập khẩu. Khi sản xuất theo GlobalGAP cũng cần chú ý các hoạt chất bảo vệ thực vật mà EU cấm hoặc hạn chế. Vì GlobalGAP cho thị trường khác thì có các hoạt chất được phép, nhưng sang thị trường EU lại không được phép. Với thị trường EU, họ đã cấm cái gì thì phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt.