Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhân ngày thống nhất đất nước, nhắc lại những chuyện này cho thấy với những người dân thường và cả binh lính, chuyện hòa hợp, hòa giải đơn giản, nhẹ nhàng.
Nồi cơm cho cả 2 phía
Đơn vị chúng tôi đóng quân ở rừng Bời Lời, thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cách khu vực ấp chiến lược và các đồn binh của lính VNCH chừng 7km. Cứ vài ba đêm chúng tôi lại vào khu vực ấp chiến lược để làm nhiệm vụ. Khi thấy đèn hột vịt ở bàn thờ thiên sáng lên, hay cái áo trắng phơi ở hàng rào, cứ việc vào, vì đấy là ký hiệu an toàn.
Các bà má đón tiếp chúng tôi bao giờ cũng chuẩn bị sẵn cơm với cá khô, dưa leo, mắm nêm, vài chai nước ngọt, nồi cơm to thì chia ra phân nửa, còn nồi vừa nấu 2 nồi, 1 nồi cho chúng tôi ăn lúc chập tối, còn phần kia dành cho lính Sài Gòn ăn khuya sau khi đi tuần quanh chi khu.
Lúc đầu chúng tôi cũng hoảng, sau dần thấy quen. Lúc chúng tôi ăn các má, các chị phân nhau dòm chừng lính đồn, ngược lại khi lính đồn ăn uống, các má, các chị lại canh chừng tụi tôi, nếu có bên này hay bên kia ngang qua, dàn xếp không để đụng nhau.
Hỏi sao đối đãi cả 2 sắc lính như nhau, các má, các chị nói mấy đứa từ ngoài Bắc vô hay lính cộng hòa đều là người Việt, là con cả, đứa nào chết hay bị thương đều đau xót hết. Chuyện trong một nhà có đứa bên này, đứa bên kia ở đất Nam bộ này thiếu gì.
Có chuyện tới nay tôi không sao lý giải được. Vào một đêm, 4 lính trinh sát tụi tôi vô ấp, lần đầu tiên trong đời thấy trong nhà dân có cái hộp vuông màu đen có người nhảy nhót hát hò trong đó. Cả lũ đứng ngoài hàng rào ngó vô như trời trồng mà không biết có lính biệt kích sư 25 đứng ngay sau lưng, chỉ cách một thửa đất cũng đang lom lom ngó nhìn bọn tôi. Chả hiểu do mấy bà má ra cản, hay mấy anh lính thấy thương tình mà không xiết cò, nên tụi tôi thoát chết cái đận đấy.
Chợ không mang súng
Ở vùng giáp ranh có cái trảng tên gọi là Trảng Sa (nay gọi là ấp Trảng Sa). Ở khoảng đất giữa trảng mọc lên cái chợ họp cách nhật vào các ngày thứ 3, 5 và 7 từ 7 giờ sáng đến chừng 11 giờ là vãn. Người bán chủ yếu là dân trong ấp của VNCH, còn người mua là dân ở vùng giải phóng, lính của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích, và cả binh lính, địa phương quân của VNCH.
Ngày ấy, các đơn vị hoạt động vùng ven được cung cấp tiền VNCH để tiêu dùng, mỗi người được cấp 700 đồng phụ cấp/tháng, khi đó gọi là tờ có hình Trần Hưng Đạo (500 đồng) và tờ Nguyễn Huệ (200 đồng). Tuy không nhiều nhưng cũng mua được nhiều thứ thiết yếu như kem đánh răng, xà phòng… nên ai cũng khoái đi chợ.
Không biết từ ai và từ lúc nào có một quy ước bất thành văn là không được bắn nhau khi vào chợ. Cho nên ở 2 đầu chợ có người của mỗi bên giữ vũ khí, còn binh lính cả 2 phía khi vào chợ chỉ được đi tay không. Vì thế, từ khi mở chợ đến đầu năm 1975 không có vụ đấu súng nào nổ ra. Chợ chủ yếu bán đồ khô như gạo, cá khô, nước mắm, muối, trà, sữa hộp hiệu con chim, thuốc rê đóng bánh, pin, bút Bic, rượu trắng, đường, bánh kẹo…
Những ngày đầu, lính của 2 phía cũng canh chừng nhau, xong về sau thấy thường nên thôi. Thỉnh thoảng 2 bên ngồi với nhau gầy độ nhậu, hỏi thăm nhau mới biết có người là bà con, có người là bạn cùng lối xóm chơi với nhau từ lúc nhỏ. Nếu không khác nhau về sắc phục, họ là những nông dân ngồi chơi với nhau giữa buổi làm đồng.
Cũng chính từ cái chợ này, lần đầu tiên tôi được đọc những tờ “Tin Sáng”, “Trắng Đen”, và biết mùi thơm của cục xà bông “Cô Ba”. Từ cái chợ này, binh lính 2 bên ngộ ra nhiều điều, bên này thấy bên kia không phải “7 người đeo cọng đu đủ không gãy”, bên kia cũng thấy “tụi nó cũng giống như mình”. Thuốc lá quân tiếp vụ và Tam Đảo được trao qua, đổi lại.
Đám cưới giữa trảng
Đầu năm 1974, anh Năm Khiêm, cán bộ của đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở nội tuyến. Có lẽ công tác vận động quần chúng của anh Năm quá tốt nên kết quả đưa đến một đám cưới. Bàn mãi không biết nên làm đám ở đâu vì làm trong cứ không được, sợ lộ bí mật, cuối cùng tổ chức ngay ngoài trảng.
Lính ta mất một đêm chặt cây dựng rạp, làm bàn ghế cho đôi tân hôn, các bà các chị đốt lửa nấu ăn rổn rảng. Đến gần trưa các bàn ăn đã dọn ra, tuy không linh đình nhưng coi cũng tươm tất. Nhưng bất ngờ, khi ông chủ lễ cũng là chính trị viên vừa tuyên bố khai tiệc xong, ngó ra thấy xe thiết giáp và lính của Sư 25 bao vây giáp ròng, lính ta nhào ra dàn thế trận chuẩn bị ứng chiến, nhưng 2 bên chỉ nhìn nhau không ai nổ súng.
Thấy vậy đám cưới vẫn tiếp tục, tàn cuộc đám cưới giải tán, lính ta rút êm, nhưng để lại 2 bàn cho phía bên kia kèm theo 1 can 20 lít rượu Trảng Bàng sủi tăm. Tuy là khách không mời nhưng họ cũng không khách khí mà đánh chén vui vẻ, còn nhắn lời cám ơn nữa.
Vài chuyện là vậy, xem ra cơ sở để hòa hợp bắt đầu từ cái tình, nếu khơi lại được, chuyện không quá khó như người ta tưởng tượng. Nói như người miền Nam, chuyện gì cũng tính được hết miễn thành thực với nhau, đừng tỏ vẻ kèo trên hay kể lể công xá.