Từng bước cải thiện chất lượng sống cho công nhân

(ĐTTCO) - Ngày 10-10, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chất lượng cuộc sống của công nhân TPHCM hiện nay”. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng chất lượng cuộc sống của công nhân, nhất là công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại TPHCM, còn rất thấp.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, trong 10 năm qua, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nhận thức chính trị của công nhân được nâng cao. Bên cạnh đó, điều kiện lao động tại các doanh nghiệp cũng ngày được cải thiện.

Tuy nhiên, đến nay thu nhập của công nhân còn thấp, trong khi đó giá cả các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu ngày càng tăng nên thu nhập của công nhân không đáp ứng được mức sống tối thiểu dù đã tăng ca rất nhiều, do đó công nhân rất khó để có thể tích lũy cho các kế hoạch mua nhà hay nâng cao đời sống.

Công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Còn theo Ths Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), bước sang thời kỳ đổi mới, số lượng công nhân tại TPHCM tăng mạnh, tính đến nay có khoảng 2,2 triệu người. Qua nghiên cứu đời sống công nhân tại các khu công nghiệp, cho thấy chất lượng cuộc sống của đại bộ phận công nhân, nhất là công nhân nhập cư còn khá thấp, chỗ ở chật chội, thu nhập không cao dù đã tăng ca nhiều, thiếu các hoạt động sinh hoạt giải trí.

Và nhất là chưa thể tổng hợp được có bao nhiêu công nhân nằm trong diện hộ nghèo. Ông Lê Văn Thành cũng đưa ra 8 nhóm tiêu chí về chất lượng cuộc sống của công nhân TPHCM. Theo đó, quan trọng nhất là vấn đề việc làm, thu nhập và nhà ở. Trong đó, lương cứng (không tính thu nhập tăng thêm) của công nhân phải đạt ngưỡng 6 triệu đồng mới có thể đảm bảo được mức sống ổn định. Bởi nếu lương tối thiểu không đạt được mức sống tối thiểu thì mọi tiêu chí khác không có ý nghĩa.

Về tiêu chí nhà ở, trong thời điểm này công nhân rất khó sở hữu một căn nhà, vì thế nhà nước cần có các chính sách ưu đãi để công nhân có điều kiện sống trong những căn nhà thuê trọ tươm tất, sạch sẽ, an toàn vệ sinh, tiền thuê nhà không quá 30% tổng thu nhập, diện tích bình quân 10 m2/người. Ông Thành cho rằng cần có sự hiểu đúng và đưa ra giải pháp cụ thể, hiệu quả mới có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân.


Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng các vấn đề như chất lượng bữa ăn giữa ca còn kém, các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần còn thấp, chưa được tạo điều kiện học tập nâng cao tay nghề, bị vi phạm quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện làm việc chưa an toàn cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của công nhân TPHCM hiện nay.

Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM, cho biết, chính quyền TP rất quan tâm giải quyết, giúp từng bước cải thiện chất lượng sống của công nhân. Theo đó, TP đã chấp thuận cho triển khai 5 loại công trình tiện ích công cộng gồm: nhà lưu trú công nhân; trường mầm non; trung tâm sinh hoạt, cửa hàng bình ổn giá; phòng khám, trạm y tế; bếp ăn tập thể. Thế nhưng, dù đã được triển khai và đưa vào hoạt động nhưng các tiện ích trên chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của công nhân.

Ông Trần Công Khanh cho biết thêm, tính đến nay, trên địa bàn TPHCM đã có 16 dự án nhà lưu trú công nhân khang trang với gần 22.000 chỗ ở, được trang bị đầy đủ các dịch vụ tiện ích đã được đưa vào sử dụng; 7 dự án nhà lưu trú công nhân đang trong quá trình triển khai xây dựng, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành.

Về trường mầm non cho con công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, đến nay đã có 18 trường đi vào hoạt động, 2 trường đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Ngoài ra đã có 9 khu trung tâm sinh hoạt công nhân, 11 siêu thị, cửa hàng bình ổn giá phục vụ công nhân đi vào hoạt động.

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chính trị cho công nhân cũng được Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM thực hiện trong thời gian qua. Ngoài các biện pháp chăm lo nhà ở cho công nhân bằng các chương trình: xây nhà lưu trú, trao mái ấm công đoàn, đẩy mạnh cải thiện nhà ở bằng hình thức vay vốn ưu đãi, quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) của LĐLĐ TP đã kịp thời trợ vốn giúp công nhân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, quỹ tương trợ nội bộ tại các doanh nghiệp cũng đã góp phần thiết thực giúp công nhân vượt qua khó khăn những lúc cấp bách. Đặc biệt, hoạt động chăm lo tết của LĐLĐ TPHCM mà cụ thể là Chương trình Tấm vé nghĩa tình đã giúp nhiều công nhân được đoàn tụ với gia đình mỗi dịp tết đến xuân về. Không chỉ vậy, các hoạt động chăm lo con công nhân cũng ngày càng phong phú, hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Các tin khác