“Đây là trạng thái bình thường mới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giải thích và yêu cầu không được lơ là các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Chiều 16-4, Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X (diễn ra trực tuyến) đã bế mạc sau 1 ngày làm việc.
Tại điểm cầu Thành ủy có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy chiều ngày 16-4. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bước qua đỉnh dịch
Phát biểu tại phiên bế mạc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dành nhiều thời gian thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM, trong nước và trên thế giới.
Theo đó, ngày 11-3, WHO tuyên bố đại dịch Covid-19. Lúc này, cả thế giới (tổng số dân khoảng 7,7 tỷ người) có 126.000 người mắc, tức lúc này cứ 1 triệu người dân có 16 người mắc Covid-19. Nhưng số người mắc hiện nay đã hơn 2 triệu người.
“Vậy khi nào hết dịch?”, trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng mỗi một quốc gia có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Trong bối cảnh chưa có vaccine phòng ngừa cũng chưa có thuốc chữa trị đặc trị nên dù các nước nỗ lực thì cũng chỉ có thể làm số người mắc giảm đi. Tuy nhiên, dịch Covid-19 không hết hoàn toàn được. Nghĩa là, dịch có thể chấm dứt nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn tồn tại. Điều này cho thấy phải sống chung và kiểm soát không để lây nhiễm gia tăng.
Đồng chí dẫn chứng tình hình dịch bệnh ở một số nước. Trong đó, trên thế giới có 3 nước đã đạt đỉnh khi đã qua thời điểm số bệnh nhân nằm viện điều trị cao nhất. Cụ thể, ngày 11-3, Hàn Quốc có số bệnh nhân nằm viện điều trị cao nhất là hơn 7.000 ca nhưng sau đó giảm dần. Như vậy, tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới, đang trên đường hết dịch và hiện nay vẫn còn trên 2.000 ca.
Nước Iran cũng chuyển giai đoạn. Ngày 6-4, số người trong bệnh viện ở Iran ở mức tối đa, với khoảng 32.000 người và sau đó giảm dần.
Đức là nước thứ 3 chuyển giai đoạn. Hiện nay, ở Đức có trên 132.000 người mắc nhưng họ đã chuyển giai đoạn vào ngày 7-4. Lúc này, số người chữa bệnh ở Đức là 72.000 người rồi giảm dần còn hơn 60.000 ca.
Trong khi đó, số người mắc ở Italy vẫn cao, hiện có trên 162.000 người mắc và số người nằm viện vẫn tiếp tục tăng. Như vậy, Italy vẫn chưa chuyển giai đoạn.
Tương tự, Mỹ có ca đầu tiên cùng thời điểm với Việt Nam (vào ngày 23-1) và đến nay đã có trên 600.000 ca. Số người đang chữa bệnh trong bệnh viện vẫn còn rất cao và chưa có dấu hiệu giảm.
Tại Nhật Bản, một thời gian dài được xem là điển hình vì phòng, chống dịch tốt. Tuy nhiên, từ ngày 26-3 đến nay, số người mắc mới và số người điều trị trong bệnh viện không ngừng tăng.
Trong khi đó, Singapore trước ngày 22-3, số người mắc Covid-19 rất thấp, nhưng sau đó lại tăng mạnh và hiện nay đã hơn 3.600 ca.
Ở nước ta, ngày 23-1, Việt Nam có 2 ca đầu tiên và được điều trị khỏi. Sau đó, từ ngày 6-3 có đợt lây nhiễm thứ 2 và đến nay có 268 ca. Như vậy, trong 84 ngày đã trải qua dịch Covid-19, bình quân nước ta có 3,2 ca mới/ngày. Con số này không gây quá tải cho hệ thống y tế.
Trong đó, ngày 29-3, số người mắc Covid-19 nằm viện điều trị cao nhất, có 163 ca. Con số này giảm dần và còn 98 người (vào ngày 15-4) đang điều trị.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí phân tích thêm về các chỉ số về dịch.
Đầu tiên là chỉ số bình quân mỗi ngày có bao nhiêu ca mới, tính từ ngày có ca đầu tiên.
Chỉ số này của Việt Nam là 3,2 ca mới/ngày, trong khi tại Singapore mỗi ngày có 45 ca, Nhật Bản có 86 ca, Iran có 1.300 ca, Đức có 1.695 ca, Italy có 2.100 ca và Mỹ có 7.300 ca. Điều này cho thấy số ca mới bình quân/ngày ở nước ta là rất nhỏ.
Kế đến là chỉ số người mắc Covid-19 trong 1 triệu dân. Đến ngày 15-4, Việt Nam có 2,7 người mắc/1 triệu dân. Con số này ở Nhật Bản là 62 người, Hàn Quốc là 207 người, Singapore hơn 600 người, Iran là 900 người, Đức là 1.500 người, Mỹ là 1.800 người. Cuối cùng, Italy có mật độ người mắc cao nhất thế giới khi 1 triệu người dân có 2.600 người.
Khi WHO công bố đại dịch thì cứ 1 triệu người dân có 16 người mắc Covid-19.
Một chỉ số khác là mức độ lây nhiễm trên cả nước. Cụ thể, ở nước nào bị dịch bệnh thì hầu hết các tỉnh - thành, các bang trong cả nước điều có dịch bệnh, như Đức, Mỹ hiện tất cả các bang đều có. Trong khi đó, tính từ ngày có ca mắc đầu tiên đến nay, Việt Nam có 38/63 tỉnh - thành (chiếm 60%) chưa có ai mắc dịch Covid-19. Nếu tính tới nay thì có 45/63 (chiếm 71%) không có người mắc.
Qua các chỉ số nêu trên cho thấy, tình hình dịch bệnh của Việt Nam so với các nước là rất thấp. Ngoài ra, nước ta đã qua đỉnh dịch, số người bệnh nằm viện điều trị đã giảm (cao điểm nhất có 163 ca nằm viện) nhưng hiện còn 98 ca, trong đó TPHCM (cao điểm nhất là 42 ca) hiện còn 8 ca.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, qua thảo luận tại hội nghị cho thấy, trong bối cảnh kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Bởi lẽ, bên cạnh việc điều tiết toàn bộ người nước ngoài đến Việt Nam, TPHCM cũng phải điều tiết sự đi lại của người dân, điều tiết lại hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến các ngành dịch vụ của TPHCM đã bị ảnh hưởng.
Trong quý 1, kinh tế TPHCM chỉ tăng trưởng 0,42% nhưng cũng có các điểm sáng, như sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển, xuất khẩu vẫn duy trì mức khá. Đặc biệt, tổng thu ngân sách giảm nhưng TPHCM vẫn đóng góp 27% vào tổng thu ngân sách của cả nước.
Một điểm nổi bật nữa với sự lãnh đạo kịp thời của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cùng với cả nước, TPHCM đã tổ chức các biện pháp đồng bộ, bài bản, hiệu quả trong việc phòng dịch Covid-19. Chính từ đó, TPHCM đã làm cho không nổ ra dịch trên địa bàn.
Đến thời điểm hiện nay, TPHCM có 54 ca mắc Covid-19 thì có 35 ca từ nước ngoài về và 19 ca lây nhiễm tại chỗ. “Khi nói đến dịch, từ 1 người phải lây ra hơn 1 người khác, từ đó tiếp tục lại lây lan ra”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin và phân tích, tỷ lệ lan nhỏ ở TPHCM đang nhỏ hơn 1. Điều này cho thấy dịch có lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài về nhưng lây tại đâu là lập tức TPHCM phát hiện, khoanh vùng và xử lý. Do đó, số ca lây nhiễm có xu hướng giảm dần và hiện nay, TPHCM còn 8 ca.
Trước kết quả này, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân vẫn thận trọng và lưu ý, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên chúng ta không được chủ quan.
Tuy nhiên, theo đồng chí bằng việc kiểm soát tốt sự lây nhiễm dịch bệnh trong nước và ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài thì chúng ta có điều kiện đưa hoạt động sản xuất, các ngành dịch vụ từng bước trở lại bình thường.
Bài học cụ thể được nêu ra: Nếu phòng dịch quyết liệt thì không xảy ra dịch.
Vì thế, đồng chí cho rằng, khi TPHCM không có dịch thì các hoạt động, sinh hoạt xã hội từng bước sẽ trở lại bình thường, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn thì vẫn phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn. “Đây là trạng thái bình thường mới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giải thích và yêu cầu không được lơ là các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Để “chung sống với bệnh nhưng không để trở thành dịch”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TPHCM cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch được thực hiện lâu nay. Đặc biệt là việc tổ chức phát hiện, ngăn chặn xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài.
Đồng chí đánh giá cao việc chủ động kiểm soát chặt chẽ hành khách từ sân bay, nhà ga đường sắt vào TPHCM của chính quyền, nhưng cũng đề nghị giải pháp thực hiện sắp tới.
Bởi vì, khi mở cửa trở lại, mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay, hàng ngàn lượt người vào TPHCM mà nếu xét nghiệm 100% sẽ rất tốn kém. Vì vậy, chính quyền thành phố phải tính toán đối tượng giám sát cũng như chi phí thực hiện khi giám sát. “Đối tượng giám sát cụ thể còn phải tính toán, nhưng cần thực hiện 100% đối với người nước ngoài”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt việc kịp thời phát hiện ca nhiễm để cách ly điều trị cũng như khoanh vùng, xác định các trường hợp F1, F2, F3 để cách ly, giám sát. Đây cũng là biện pháp rất đặc thù của nước ta, rất hiệu quả trong việc ngăn chặn lây lan.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng kêu gọi mỗi người dân tiếp tục tự bảo vệ mình bằng việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay thường xuyên.
Đặc biệt, để đưa các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường thì phải có các quy tắc ứng xử của từng ngành nghề, từng khu dân cư, nhằm ngăn ngừa dịch. Cụ thể, mỗi một ngành nghề, mỗi một cơ quan phải thực hiện theo các tiêu chí an toàn để không xảy ra dịch.
Hiện nay, trong hoạt động của doanh nghiệp, UBND TP đã xây dựng bộ tiêu chí cụ thể. Do đó, từ nay đến hết tháng 4-2020, các doanh nghiệp tự đánh giá và cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận đảm bảo điều kiện an toàn với dịch thì cho phép hoạt động.
Tương tự là tiêu chí an toàn của trường học, công sở, chợ, siêu thị, hoạt động vận tải hành khách… cũng phải thực hiện các quy tắc, yêu cầu cầu đảm bảo an toàn với dịch. “Chúng ta chuyển sang đời sống bình thường mới, gắn với yêu cầu phòng ngừa dịch”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu và nhấn mạnh, từ đây đến hết ngày 30-4, các ngành, lĩnh vực phải xây dựng bộ tiêu chí an toàn với dịch Covid-19, để dần đưa về trạng thái bình thường.
Dẫn chứng số liệu tội phạm hình sự trong quý 1-2020 tăng 10%, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý sắp tới phải tiếp tục triển khai các biện pháp an sinh xã hội, với sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Yêu cầu đặt ra là không để xảy ra tình trạng cùng cực, đồng thời tiếp tục thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Đồng chí cũng nhấn mạnh việc ưu tiên vận dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và TPHCM để từ nay đến giữa tháng 5-2020, doanh nghiệp, người lao động phải được hưởng các chính sách đó nhằm giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đồng tình với chương trình, chính sách của UBND TP hỗ trợ các doanh nghiệp. Mặt khác, đồng chí đề nghị UBND TP tổ chức rà soát và vận dụng ngay hướng dẫn của Chính phủ về phương án xử lý vướng mắc ở các dự án bất động sản có đất công xen kẽ, để các doanh nghiệp sớm triển khai dự án.
Liên quan đến đầu tư công, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét trong quý 1, tình hình đầu tư công quý 1-2020 có tiến bộ so với năm trước. Tuy vậy, kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu nên đồng chí đề nghị UBND TP tổ chức giao ban đầu tư công với quận - huyện khoảng 2 tuần/lần để rà soát, đẩy nhanh tiến độ.
Đồng chí cũng lưu ý đến việc vận dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Theo đồng chí, các cơ quan, đơn vị liên quan phải phấn đấu đến cuối tháng 10-2020 (thời điểm dự kiến tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025) sẽ giải ngân được ít nhất 80% theo kế hoạch.
Đối với các dự án đầu tư công, đồng chí đề nghị cần nỗ lực hoàn thành các dự án dự kiến hoàn thành trong năm, đồng thời ưu tiên các dự án khởi công mới hoặc chuẩn bị đầu tư trong năm…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng dẫn chứng một số dự án như dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đề nghị UBND TP xúc tiến để sớm trình HĐND TP. Đồng chí còn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án cầu, đường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như dự án vành đai 2.
Cùng với đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tập trung đẩy mạnh chương trình công tác, gắn với đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội Đảng các cấp, với 10 nội dung, hoạt động trọng điểm.
Theo đồng chí, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp có bị ảnh hưởng nhưng đồng chí yêu cầu đến đầu tháng 5-2020 phải tổ chức xong đại hội điểm phường - xã để sơ kết rồi sau đó triển khai rộng rãi. Còn ở quận - huyện tổ chức đại hội điểm trong tháng 5-2020 rồi triển khai rộng rãi trong tháng 6-2020.
Về nội dung chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP và các ban đảng liên quan sớm xây dựng 4 chương trình thực hiện trong nhiệm kỳ mới, gồm 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm với 44 đề án thành phần.