* Ông NGUYỄN LƯU TRUNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:
Đáp ứng nhu cầu tâm linh và tình cảm thiêng liêng của người dân
Tưởng niệm đồng bào đã mất vì Covid-19 là để an ủi cho những mất mát, đau thương trong đại dịch. Hàng chục ngàn gia đình mất đi người thân yêu, hàng ngàn trẻ em mồ côi cha, mẹ. Những đau thương, mất mát này không thể nào bù đắp được.
Khó kể hết những hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu chống dịch, biết bao ngày đêm chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh Covid-19 của đội ngũ thầy thuốc. Rồi những thanh niên tình nguyện đã gác lại hạnh phúc, hưởng thụ riêng tư… để lao vào tâm dịch với quyết tâm cùng chiến thắng dịch bệnh.
Do đó, một lễ tưởng niệm đồng bào đã mất vì Covid-19 là đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm thiêng liêng của người dân. Cũng nhắc nhớ về nỗi đau và trách nhiệm với thiên tai, dịch họa. Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan với bất kỳ hiểm họa nào, bởi có khi cái giá phải trả chính là sinh mệnh của người thân, của đồng bào. Tinh thần cảnh giác phải đặt lên hàng đầu, phải thay đổi hành vi, ứng xử có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.
Nhận thức này không chỉ từng người dân, mà các cấp chính quyền cũng phải thấu hiểu. Hiểu để ứng phó với nguy cơ, hiểu để chia sẻ và cảm thông với tổn thương của đồng bào, hiểu để hành động phù hợp với tình hình thực tế, hiểu để ngăn ngừa những hậu quả tương tự có thể xảy đến bất cứ lúc nào…
* Ông NGUYỄN TRUNG NHÂN, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ:
Hoạt động vô cùng ý nghĩa
Theo cá nhân tôi thì ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là hoạt động vô cùng ý nghĩa. Cần thấy rằng, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta luôn thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết từ các ngành chức năng, ngành chuyên môn, người dân, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến với Covid-19. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay còn diễn biến phức tạp, cần phải có sự xem xét về quy mô tổ chức như thế nào cho phù hợp.
Tại TP Cần Thơ, thời gian qua đã có nhiều hoạt động trong việc quan tâm, chăm lo cho các gia đình có thân nhân tử vong do dịch Covid-19. Thành phố đã phối hợp với lực lượng quân đội tổ chức bàn giao hài cốt cho các gia đình một cách trang trọng; lãnh đạo thành phố tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình có mất mát về người, hỗ trợ xây dựng xây dựng nhà ở cho một số đối tượng.
Các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trên địa bàn cũng tham gia tích cực hỗ trợ các gia đình, như mô hình “Tình thương cho em, hậu Covid-19” của Công an TP Cần Thơ đã triển khai chăm lo cho các em mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19 đến 18 tuổi…
* Bác sĩ CKI TĂNG THỊ NGỌC, Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương 2B:
Tưởng niệm là việc làm nhân ái
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ LĐTB-XH phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TPHCM và các tỉnh phía Nam tổ chức tốt, trang trọng lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử vong vì đại dịch Covid-19. Quyết định này, đối với tôi là rất ý nghĩa. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra để lại những hậu quả to lớn cả về người và của.
Đến nay có hơn 22.500 đồng bào, chiến sĩ, cán bộ tuyến đầu chống dịch đã tử vong. Trong số này có nhiều y, bác sĩ không ngần ngại xông pha vào trận chiến không tiếng súng giành lại sự sống cho người dân, đồng bào của mình. Và rồi, họ lại là người nằm xuống!
Trên cương vị của một người tham gia tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức), tôi chứng kiến nhiều mất mát, sự ra đi của nhiều bệnh nhân vì dịch Covid-19 càng khiến tôi thấm thía nỗi đau của người thân. Họ đã ra đi trong nỗi sợ hãi, đau đớn và cô đơn vì không có người thân tiễn đưa. Có một ngày tưởng niệm chung ấy sẽ giúp chúng ta nhắc nhớ nhau về những mất mát khôn cùng trong đại dịch.
Điều này còn làm mỗi người chúng ta biết trân trọng nhau hơn, yêu thương giúp đỡ và đùm bọc nhau, cùng tiến về phía trước. Vì thế, tổ chức ngày tưởng niệm người đã mất là rất nhân văn, ý nghĩa, hợp với đạo lý con người Việt Nam chúng ta. Tổ chức lễ tưởng niệm còn nhắc chúng ta, những người đang sống tuyệt đối không được lơ là việc phòng chống dịch.
* ĐBQH NGUYỄN TRI THỨC, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM:
Niềm an ủi rất lớn
Với vai trò là một bác sĩ, không gì đau đớn hơn khi nhìn thấy bệnh nhân tử vong ngay trước mắt mà mình không thể làm gì được. Đây là nỗi đau lớn nhất của người thầy thuốc. Sự ra đi của rất nhiều bệnh nhân vượt quá sự tiên liệu của ngành y tế đã gây ra nỗi đau rất lớn đối với những người trong ngành y. Việc này cũng để lại tâm lý nặng nề cho toàn thể lực lượng tham gia chống dịch, đặc biệt lực lượng y tế là những người chứng kiến.
Tôi nghĩ nỗi đau này là nỗi đau chung của cả nước do dịch Covid-19 gây ra. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ, đồng tình và cảm thấy có sự an ủi rất lớn khi Đảng, Nhà nước và Quốc hội đồng ý chủ trương tổ chức một lễ tưởng niệm đối với đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Ngoài việc tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, tôi nghĩ Nhà nước nên có đánh giá để công nhận thương binh, liệt sĩ cho lực lượng tham gia chống dịch nói chung. Việc này cần có sự đánh giá một cách trung thực, kỹ lưỡng.
Các dấu mốc về tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 |