
Đưa vào vận hành thương mại từ tháng 8/2024, trung bình mỗi tháng, tuyến đường sắt đô thị số 3.1 Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao vận chuyển được hơn 480.000 lượt hành khách.
Tổng lượng hành khách tuyến đường sắt này vận chuyển được trong 6 tháng là gần 3,4 triệu lượt.
Đáng chú ý, tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng chiếm hơn 60%. Điều này cho thấy đường sắt đô thị đang là phương tiện giao thông công cộng được người dân quan tâm và sử dụng một cách thường xuyên; trong đó nhiều nhất là học sinh, sinh viên và người đi làm.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội là dự án quan trọng trong quy hoạch giao thông đô thị, nhằm giải quyết áp lực giao thông, giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Với chiều dài hơn 12,5km, đoạn trên cao dài 8,5km từ Nhổn đến Cầu Giấy chính thức khai thác thương mại từ ngày 8/8/2024.
Tại lễ vận hành thương mại tuyến đường sắt trên cao này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh đường sắt đô thị là phương thức vận tải quan trọng, cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, năng lực vận tải lớn, ổn định, tin cậy, an toàn, thân thiện môi trường.
Nhiều quốc gia ưu tiên phát triển đường sắt đô thị để giải quyết các vấn đề về tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm thiểu lượng phát thải khí CO2 ra môi trường, mở ra không gian phát triển kinh tế-xã hội. Việc phát triển đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là tất yếu của giai đoạn phát triển mới.
Việc đưa vào vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội là động lực để thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị khác, nhằm hình thành một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ, phục vụ tốt nhất nhu cầu di chuyển của người dân.