Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ: Chờ cơ chế phù hợp

(ĐTTCO) - Bộ GTVT vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt chỉ đạo tư vấn khẩn trương hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ. Bộ GTVT đặt mục tiêu, dự án này sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và thực hiện đầu tư trước năm 2030.

Sơ đồ hướng tuyến dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ

Sơ đồ hướng tuyến dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ là dự án quan trọng trong việc kết nối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực ĐBSCL. Dự án đã được hoạch định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt với tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Theo Ban QLDA đường sắt, tổng mức đầu tư dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ đề xuất đến thời điểm tháng 6-2022 khoảng 170.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 7 tỷ USD. Đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết, hiện phương án vốn cho dự án vẫn chưa ngã ngũ, có thể theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc nhà nước góp vốn 20%, nhà đầu tư đầu tư 80%. 

Về phương thức đổi đất lấy hạ tầng, Bộ GTVT cho biết, trước đây Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đã gửi Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ theo hình thức PPP. Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam dự kiến tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10 tỷ USD, và đưa ra phương án 100% vốn của nhà đầu tư. Nhà nước giao cho tư nhân quản lý, khai thác trong vòng 25 năm, sau đó nhà đầu tư trả lại nhà nước. Cùng với đó, nhà nước giao đất cho nhà đầu tư khai thác tại 9 khu ga. Đề xuất này khả thi về mặt thực tế nhưng khó ở chỗ phương án thu hồi vốn bằng “đổi đất lấy hạ tầng” theo hình thức hợp đồng BT không được ghi nhận trong Luật PPP.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, khi đầu tư PPP hạ tầng đường sắt, nếu chỉ thu hồi vốn bằng bán vé hành khách hay chở hàng thì không bù đắp được vốn đầu tư phải bỏ ra. Do đó, theo Bộ GTVT, muốn dự án khả thi phải quy hoạch phát triển hệ sinh thái liên quan trên tuyến, như phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất… gần các nhà ga để nhà đầu tư tham gia khai thác. Chính vì vậy, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, giải pháp khả thi nhất là thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển đường sắt. 

Đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết, điểm thuận lợi của dự án là tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ cơ bản đi cùng hành lang, song song với tuyến đường bộ cao tốc Sài Gòn - Trung Lương - Mỹ Thuận. Như vậy, bình diện tuyến phù hợp với quy hoạch của địa phương tại thời điểm hiện nay và trong tương lai, tạo được sự kết nối giữa 2 phương thức vận tải về hành khách, hàng hóa. Mặt khác, chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm đáng kể vì hơn 1/3 chiều dài tuyến nằm trên hành lang dự trữ của đường bộ cao tốc, địa phương cũng tiết kiệm được quỹ đất. 

Có thể nói, hiện dự án này đã được nghiên cứu cơ bản. Mấu chốt còn lại là có được cơ chế thực hiện phù hợp, hiệu quả.

 Dự kiến tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174km, với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tốc độ thiết kế khoảng 190km/giờ cho tàu khách và

Các địa phương muốn thực hiện sớm


Sở GTVT TPHCM vừa kiến nghị UBND TPHCM có văn bản đề nghị Bộ GTVT ưu tiên đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TPHCM - Cần Thơ trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt liên kết vùng TPHCM. Đây là những công trình góp phần quan trọng giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng cho thành phố.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch, giao Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và UBND các địa phương có liên quan hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Từ đó, sẽ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 và sớm triển khai đầu tư trước năm 2030, phù hợp theo quy hoạch hệ thống đường sắt quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án sẽ giúp kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, đến nay vẫn chưa xác định cụ thể là vốn trung ương hay vốn địa phương, hoặc cả hai. Tuy nhiên, với tầm quan trọng, cũng như sự kỳ vọng về tuyến đường sắt này, TP Cần Thơ sẽ đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, trong trường hợp địa phương được giao đối ứng vốn.

Sở GTVT các tỉnh Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long cũng đánh giá, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ sẽ giúp phát triển cả vùng ĐBSCL. Do đó, khi trung ương cần địa phương tham gia thì địa phương sẽ sẵn sàng phối hợp. Các tỉnh rất mong muốn sớm triển khai dự án và thống nhất cao với quy hoạch của tuyến đường, đồng thời kiến nghị triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

NHÓM PV


CT Group muốn đầu tư dự án


Chủ tịch CT Group Trần Kim Chung cho biết, CT Group muốn đầu tư vào dự án tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ, vì đây là một dự án đem lại giá trị rất cao về kinh tế - xã hội. Theo CT Group, chưa có tuyến đường sắt nào có thể nối liền vùng đồng bằng chiếm đến hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, lương thực của cả nước tới cụm cảng biển khu vực TPHCM, hoặc kết nối với tàu chở hàng ra Bắc (qua ga Sóng Thần) như dự án này. Trái cây, tôm cá của miền Tây Nam bộ nếu được chở lên TPHCM chỉ trong vòng 1 giờ sẽ đảm bảo chất lượng tốt. Sẽ không còn những chuyến xe tải chạy “bán sống bán chết” để cá, tôm không ươn hoặc rau củ không hư; và như thế sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ cũng như khí thải từ ô tô, giúp miền Tây phát triển bền vững hơn.

Quan trọng hơn cả là miền Tây Nam bộ đang cần một cú hích để phát triển tương ứng với tiềm năng của mình. Nếu nói ĐBSCL là một trong những đồng bằng số một thế giới cũng không sai. Để thúc đẩy Tây Nam bộ phát triển hơn, có lẽ đường sắt cao tốc sẽ là yếu tố góp phần rất lớn. Tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ sẽ giúp Tây Nam bộ thêm phát triển, với sự hình thành của các ga đô thị đường sắt dọc theo tuyến đường. Mỗi đô thị đường sắt sẽ bao gồm các cơ sở khoa học kỹ thuật, logistics, thương mại dịch vụ, đô thị thông minh hiện đại… với ga tàu là trung tâm. Mỗi ga tàu sẽ được thiết kế đặc biệt để thể hiện được bản sắc của mỗi tỉnh. Người miền Tây có thể đi làm ở TPHCM và quay về trong ngày, giúp TPHCM bớt quá tải.

ĐỨC TRUNG

Các tin khác