Theo thống kê, tổng tài sản của Top 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam năm 2017 tăng gấp 2,6 lần so với năm 2016.Với thế giới, năm 2017 đã chứng kiến sự phất lên trông thấy của nhiều người, nhưng cũng không ít người bị “ngã ngựa”.
Những đại gia Việt Nam
Người sở hữu tài sản lớn nhất trên TTCK năm 2017 là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC). Tại thời điểm ngày 31-12-2017, số cổ phần tại VIC mà ông Vượng đang nắm giữ có tổng giá trị lên đến 119.200 tỷ đồng (tương đương 5,2 tỷ USD). Không dừng lại ở đây, tài sản của ông Vượng tiếp tục tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng chỉ sau 3 phiên giao dịch đầu năm 2018 khi VIC tăng từ mức 78.000 đồng lên 81.000 đồng/CP. Điều đáng nói tài sản của ông Vượng thời điểm cuối năm 2016 chỉ đạt 30.400 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng.
Ngôi vị số 1 của ông Vượng từng có thời điểm bị lung lay với sự xuất hiện của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (FLC). Tại thời điểm ngày 31-12-2017, tổng giá trị tài sản của ông Quyết đạt 58.900 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD). So với thời điểm cuối năm 2016, tài sản của ông Quyết tăng thêm khoảng 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn khiêm tốn hơn so với ông Vượng. Do vậy, từ vị trí đầu bảng năm 2016, ông Quyết rơi xuống vị trí thứ 2 trong danh sách 10 người giàu nhất trên TTCK năm 2017. Năm 2016, ông Quyết giữ vị trí người giàu nhất trên TTCK với tổng tài sản đạt 33.800 tỷ đồng.
Ông Trình Văn Quyết.
Giữ vị trí thứ 3 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (VJC). Theo thống kê, tổng tài sản của bà Thảo thời điểm cuối năm 2017 là 24.700 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD). Tài sản của bà Thảo tiếp tục tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng sau khi Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDB) chính thức niêm yết trên HOSE trong phiên giao dịch cuối tuần trước (5-1) với giá chào sàn 33.000 đồng/CP. Trong phiên chào sàn này, HDB đã tăng hết biên độ 20% lên 39.600 đồng/CP.
Như vậy, với 35,9 triệu CP HDB, tài sản của bà Thảo sẽ được cộng thêm khoảng 1.421 tỷ đồng. Cùng với ông Vượng, bà Thảo là người Việt Nam thứ 2 xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes, đồng thời còn là nữ tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á. Theo ước tính của Forbes, khối tài sản của bà Thảo trị giá 2,4 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng gia tăng mạnh từ 9.100 tỷ đồng năm 2016 lên 17.900 tỷ đồng năm 2017. Với số tài sản này, ông Long hiện xếp vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK. Theo thống kê, ông Long hiện đang nắm giữ 381,5 triệu CP HPG. Người nắm giữ HPG lớn khác là bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long). Theo thống kê, bà Hiền đang nắm giữ 110,5 triệu CP HPG, tương đương 5.200 tỷ đồng. Bà Hiền được xếp ở vị trí thứ 10 trong Top 10 người giàu nhất trên TTCK.
Xếp vị trí thứ 5 là một gương mặt khá mới trên TTCK. Đó là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone (VCS) với tổng giá trị tài sản đạt 13.300 tỷ đồng. Cách đây hơn 3 năm, doanh nghiệp sản xuất đá ốp lát nhân tạo này chỉ có giá trị chưa đến 1.000 tỷ đồng. Thời điểm năm 2016, số CP VCS mà ông Năng đang nắm giữ chỉ đạt khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, VCS là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 2 sàn HNX với vốn hóa đạt 20.300 tỷ đồng. VCS hiện đang niêm yết 80 triệu CP, trong đó chỉ riêng ông Năng hiện đang nắm giữ khoảng 59 triệu CP.
Theo thống kê, trong năm 2017, mã VIC tăng từ mức 43.000 đồng/CP lên 78.000 đồng/CP. Với mức tăng lên đến 80%, tài sản của những lãnh đạo chủ chốt tại VIC cũng tăng mạnh. Cụ thể, tài sản của bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT, tăng từ 5.200 tỷ đồng lên 9.700 tỷ đồng; tài sản của bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT, tăng từ 3.500 tỷ đồng lên 6.400 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, 2 vị Phó Chủ tịch HĐQT VIC hiện đang giữ vị trí thứ 6 và thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK.
Giữ vị trí thứ 7 là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (NVL). Tại thời điểm cuối năm 2017, giá trị CP NVL mà ông Nhơn đang nắm giữ đạt 9.700 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2016. So với các tỷ phú khác, tài sản của ông Nhơn tăng khiêm tốn do giá CP NVL chỉ tăng 5% trong năm 2017. Vị trí thứ 9 thuộc về ông Trần Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động (WMG) với 6.100 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng so với năm 2016.
Các vị trí từ 11-20 trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK còn có những đại gia quen thuộc như: ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCT Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR); bà Nguyễn Hoàng Yến, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan (MSN). Tuy nhiên, một cái tên từng làm mưa làm gió trên Top 10 là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), lại rơi xuống vị trí thứ 24 với giá trị tài sản đạt 2.423 tỷ đồng. Từng nắm giữ vị trí người giàu nhất trên TTCK nhưng đến thời điểm hiện nay, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) hiện xếp ở vị trí thứ 47 với 1.279 tỷ đồng.
Các ông chủ trên thế giới
Các ông chủ trên thế giới
Dẫn đầu danh sách thành công cũng chính là tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay, Jeff Bezos, ông chủ của hệ thống bán lẻ trực tuyến Amazon. Từ ngày 1-1 đến 31-12-2017, CP của Amazon đã tăng 60%, giúp mang về cho Bezos khoản tiền lời lên đến 33,8 tỷ USD so với đầu năm. Trong phiên ngày 26-10, tài sản của ông Bezos đã tăng tới 7 tỷ USD chỉ trong vòng 1 giờ do giá CP tăng vọt. Hiện tổng tài sản của Bezos đạt 98,6 tỷ USD.
Ông Jeff Bezos.
Nếu tỷ phú Bezos dẫn đầu về mức tăng theo giá trị tuyệt đối, thì Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) chính là người đứng đầu về mức tăng theo tỷ lệ phần trăm. Lượng tài sản của ông trong năm qua đã tăng tới 4 lần (400%) từ 9,1 tỷ USD lên 36,5 tỷ USD (tăng 27,4 tỷ USD). Bước nhảy vọt về tài sản của ông là kết quả việc giá CP Evergrande Group do ông làm chủ tăng gần 400%. Trong nửa đầu năm tài chính 2017, Evergrande Group công bố doanh thu tăng 115% và lợi nhuận ròng tăng đến 224%.
Ông Hứa Gia Ấn.
Xếp hàng thứ ba về mức tăng tuyệt đối là tỷ phú Bernard Arnault của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH. Việc mua lại Christian Dior Couture hồi tháng 4-2017 đã giúp CP của LVMH tăng 52%, khiến tài sản của tỷ phú Arnault tăng thêm 23,6 tỷ USD lên 63,9 tỷ USD. Ngoài Christian Dior Couture, LVMH còn sở hữu những thương hiệu xa xỉ khác như Dom Perignon, Bulgari, Louis Vuitton và Tag Heuer.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cũng góp mặt trong top những người thành công nhất năm 2017, ở vị trí thứ 4 với số tài sản kiếm được 23,6 tỷ USD trong năm, đưa tổng tài sản của anh lên 72 tỷ USD. Năm qua CP của Facebook tăng gần 60% nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của quảng cáo di động. Cuối tháng 6, mạng xã hội Facebook đã cán mốc 2 tỷ người dùng. Zuckerberg hiện là người dưới 40 tuổi giàu nhất thế giới, anh cũng nổi tiếng với hoạt động từ thiện, khi tuyên bố sẽ dùng 99% cổ phần của mình và vợ trong Facebook để làm từ thiện.
Xếp cuối cùng trong top 5 tỷ phú thắng lớn năm 2017 là ông Mã Hóa Đằng (Ma Huateng), Chủ tịch Tencent Holdings. Tencent là công ty sở hữu WeChat, một trong những ứng dụng nhắn tin di động phổ biến nhất Trung Quốc với 960 triệu người dùng. Mặc dù CP của Snap đã giảm 35% kể từ thời điểm IPO hồi tháng 3, nhưng CP của Tencent vẫn tăng 100% trong năm nay, giúp đưa tài sản của ông Mã tăng 21,8 tỷ USD lên 44,3 tỷ USD.