Sáng 7-4, HĐND TPHCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề).
Đề xuất dành 24.000 tỷ đồng và chuyển 16,8ha đất rừng làm đường Vành đai 3 TPHCM
Tại kỳ họp, đồng chí Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, báo cáo các tờ trình của UBND TPHCM.
Cụ thể, UBND TPHCM có tờ trình về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo tờ trình, dự án Vành đai 3 thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội. UBND TPHCM là cơ quan chuẩn bị dự án (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án).
Đường Vành đai 3 thực hiện trên địa bàn TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An với chiều dài hơn 76km, gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe (bố trí không liên tục). Dự án được phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện.
Dự án có hình thức đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư là gần 75.400 tỷ đồng; trong đó, từ ngân sách TPHCM hơn 24.000 tỷ đồng. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thành phần thì địa phương chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm từ nguồn ngân sách địa phương.
Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027, dự kiến khởi công từ quý 4-2023.
Để hoàn thiện thành phần hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM; chủ trương đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách TPHCM bố trí để thực hiện dự án Vành đai 2 TPHCM (bao gồm cho phần phát sinh vốn ngân sách bố trí tăng thêm (nếu có) trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án).
Đồng thời, UBND TPHCM có tờ trình về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Vành đai 3. Tại TPHCM, dự án Vành đai 3 ảnh hưởng đến 16,8 ha đất rừng (rừng trồng) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Vì vậy, UBND TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM xem xét, thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khách để thực hiện dự án Vành đai 3.
Tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến Metro 1
Cũng tại kỳ họp, UBND TPHCM có tờ trình về quyết định chủ trương đầu tư dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên).
Tổng vốn thực hiện dự án là gần 94 tỷ đồng, từ ngân sách TPHCM. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024.
Dự án có quy mô đầu tư là các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các tuyến xe buýt nhằm kết nối với các nhà ga tuyến Metro 1 và các trạm dừng đỗ xe buýt xung quanh nhà ga để trung chuyển hành khách, bao gồm: Ga Văn Thánh, ga Tân Cảng, ga Thảo Điền, ga An Phú, ga Rạch Chiếc, ga Phước Long, ga Bình Thái, ga Thủ Đức, ga Khu Công nghệ cao, ga Đại học Quốc gia, ga Bến xe Suối Tiên (Bến xe miền Đông mới).
Đồng thời, cải tạo vỉa hè song hành và Xa lộ Hà Nội, tăng cường khả năng tiếp cận cho hành khách đi bộ đến các nhà ga. Dự án cũng tổ chức mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến Metro 1 trên cơ sở tái cấu trúc tuyến xe buýt hiện hữu và mở các tuyến buýt mới dọc hành lang Xa lộ Hà Nội để kêu gọi đầu tư phương tiện từ các đơn vị vận tải để khai thác, vận hành.
Tờ trình nêu rõ, theo dự báo nhu cầu vận tải hành khách của tuyến Metro 1, lượng hành khách lên xuống tại các nhà ga rất lớn. Bên cạnh đó, mức độ phân bố và phát triển dân cư như hiện nay của TPHCM sẽ không phát huy hết khả năng vận hành của tuyến Metro 1. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của phương thức vận tải xe buýt nhằm thu gom và giải tỏa hành khách từ các nhà ga của tuyến Metro 1 tới các khu vực lân cận và ngược lại.
Theo UBND TPHCM, việc kết nối các nhà ga của tuyến Metro 1 với tuyến buýt trục chính, tuyết buýt nhánh và tuyến buýt gom tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức, kết hợp việc khai thác riêng lẻ của mỗi phương thức vận tải tạo thành mạng lưới liên kết phát triển đồng bộ, thống nhất. Trong đó, tăng tính cơ động, khả năng tiếp cận và khối lượng vận chuyển cho trục hành lang Xa lộ Hà Nội (tuyến Metro 1) bằng hệ thống xe buýt. Điều này cho phép thu hút hành khách đến từ các khu vực khác trong TPHCM đến với tuyến Metro 1 và phát huy hết khả năng vận tải hành khách của tuyến này.
Dự án cũng góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông.