Ứng dụng công nghệ, minh bạch thị trường

(ĐTTCO) - Trước thực trạng nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS công bố thông tin sai lệch, mập mờ khiến người tiêu dùng thiệt hại, chính quyền TPHCM thời gian gần đây đã liên tục chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND quận/huyện tăng cường các giải pháp để chấn chỉnh, tăng cường minh bạch thông tin về mặt quản lý Nhà nước. 

Cập nhật phải đảm bảo kịp thời
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, từ nay cho đến hết tháng 2-2019, Sở Xây dựng sẽ phải phối hợp với các sở-ngành liên quan xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, công khai tiến độ thực hiện cũng như tính pháp lý của các dự án BĐS trên địa bàn TP. Mục đích xây dựng ứng dụng này nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường BĐS trên địa bàn TP, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm hiểu thông tin khi thực hiện các giao dịch BĐS. Khi hoàn thành, ứng dụng có thể giúp người tiêu dùng, nhà đầu tư tra cứu tên dự án, vị trí, chủ đầu tư, quy mô, thời gian hoàn thành, tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng.
 Theo Báo cáo minh bạch năm 2018 của JLL, báo cáo được khảo sát 100 thị trường BĐS trên toàn cầu và chia thành 5 nhóm: Siêu minh bạch, minh bạch, bán minh bạch, kém minh bạch và không minh bạch. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 61 về chỉ số minh bạch BĐS, xếp hạng cao nhất trong nhóm “kém minh bạch”, và đang ở ngưỡng quá độ lên nhóm “bán minh bạch”. Việt Nam xếp hạng trên Sri Lanka, Myanmar... trong nhóm.
Trong năm 2018, UBND TPHCM cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường cùng các đơn vị liên quan, UBND quận/huyện và các chủ đầu tư tiếp tục công khai, minh bạch thông tin về tiến độ dự án BĐS, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị…Tại thời điểm xảy ra “sốt đất” vào quý I, quý II-2018, TP đã chỉ đạo Ban giám đốc Công an TPHCM chỉ đạo công an quận huyện bám sát tình hình, để xử lý các trường hợp cò đất tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi. Yêu cầu UBND TP có phản ứng kịp thời tình hình từ nay đến cuối năm, không chỉ về nhà đất mà trên tất cả các lĩnh vực khác nhằm ổn định thị trường, không có câu chuyện hết hôm nay đẩy giá đất, mai lại đẩy giá khác, để đảm bảo cuộc sống người dân TP. Về công tác đấu tranh xử lý, yêu cầu hệ thống công an, thanh tra, kiểm tra vào cuộc ngay lập tức…
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group, chia sẻ,  Sở Xây dựng tiến hành xây dựng ứng dụng công nghệ để công khai thông tin pháp lý về các dự án BĐS trên địa bàn TP là một chủ trương nhằm bảo vệ người mua nhà, nhất là nhà ở hình thành trong tương lai. Đây là một động thái tích cực, nhằm giúp các chủ đầu tư có thể cung cấp thông tin chính xác đến các khách hàng, và đảm bảo cho người mua nhà ở hình thành tương lai có thể giám sát các chủ đầu tư về tiến độ xây dựng, thông tin pháp lý dự án, hạn chế tối rủi ro cho người mua nhà.
Hiện nay, LDG Group đều cung cấp thông tin pháp lý và tiến độ xây dựng cho khách hàng thường xuyên thông qua nhiều hình thức. Ngoài kênh thông tin chính thức trên website, LDG Group còn thường xuyên cập nhật các thông tin này trên fanpage chính thức và gửi thông báo đến khách hàng. Việc công bố thông tin của các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ thêm kênh truyền thông cho doanh nghiệp, và tạo sự đa dạng nguồn thông tin để người mua nhà có thể đối chiếu thông tin một cách chính xác. 
Ứng dụng công nghệ, minh bạch thị trường ảnh 1 Khách hàng tham gia tìm hiểu dự án Dragon Village 1. 
“Tuy nhiên, việc cập nhật thông tin của các cơ quan chức năng phải đảm bảo tính kịp thời và thường xuyên, để người mua nhà có thể cập nhật thông tin nhanh nhất, chính xác nhất. Bên cạnh đó, yếu tố thông tin chính xác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh doanh nghiệp và dễ xảy ra việc hiểu lầm giữa người mua nhà và chủ đầu tư”- ông Khang kiến nghị.

Vẫn tăng cường quản lý, giám sát
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng theo quy định hiện hành, minh bạch thông tin, hồ sơ thủ tục pháp lý là nhiệm vụ bắt buộc của chính quyền và chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS. Thế nhưng, thời gian qua việc minh bạch thông tin dự án trước khi chủ đầu tư mở bán sản phẩm, huy động vốn không thực hiện nghiêm. Chưa kể thông tin công bố bị thổi phồng, sai sự thật, đã gây ra thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng, nhà đầu tư, làm méo mó và ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS. 
Yêu cầu minh bạch, công khai thông tin dự án là cần thiết, nhưng theo ông Châu, do sự phối hợp giữa các bên chưa nhịp nhàng, chưa đầy đủ và kịp thời đã khiến chủ đầu tư thiệt hại, tác động lên tâm lý người tiêu dùng. Chẳng hạn năm 2016, Sở Tài nguyên Môi trường TP đã tiến hành công bố danh sách các dự án thế chấp ngân hàng, nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Trong đợt công bố này có tên một dự án của Công ty Him Lam. Việc không cập nhật kịp thời nên đã gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Bởi 4 ngày trước khi Sở Tài nguyên Môi trường công bố, Him Lim đã giải chấp tài sản.
LS. Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, cho biết đặc điểm hoạt động của thị trường BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động của khách hàng. Các chủ đầu tư thường lấy công trình thế chấp cho ngân hàng để vay vốn phát triển dự án, xây dựng công trình, nhà ở; thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Do vậy rất cần sự minh bạch và công khai về mọi phương diện của dự án. Trường hợp chủ đầu tư vay vốn ngân hàng dưới hình thức thế chấp tài sản nhà, đất và có đăng ký thông tin thế chấp tại Sở Tài nguyên và Môi trường, khách hàng hoàn toàn yên tâm, vì dự án đó chắc chắn đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời tính pháp lý của dự án đã được Nhà nước đảm bảo. 
Ông Richard Bloxam, Giám đốc Thị trường vốn Toàn cầu của JLL, khẳng định minh bạch là yếu tố then chốt khi đánh giá tính hiệu quả hoạt động của các thị trường BĐS. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, minh bạch thông tin đang là xu hướng toàn cầu, được nhiều nước triển khai áp dụng và có được những cải thiện đột phá. Giờ đây, minh bạch không chỉ là yếu tố để so sánh đơn thuần, trên thực tế nó đã mang lại những hiệu quả cụ thể. Chỉ tính riêng nhóm “siêu minh bạch” trong bảng xếp hạng của JLL (bao gồm 11 thị trường), đã thu hút 75% lượng đầu tư BĐS thương mại toàn cầu trong năm năm qua.
 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định, dự án đã thế chấp tại ngân hàng phải được giải chấp trước khi bán cho khách hàng. Song thực tế thời gian qua, nhiều chủ đầu tư chưa làm thủ tục giải chấp nhưng vẫn  ký hợp đồng mua bán, huy động vốn trái phép. Trường hợp xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và tổ chức tín dụng, khách hàng sẽ gặp rủi ro. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, công khai, minh bạch thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, kịp thời nhằm đảm bảo tính minh bạch và lành mạnh của thị trường BĐS.
LS. Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp

Các tin khác