Ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch HĐTV VRG đã bị khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật cùng với 4 bị can khác.
Việc nguyên lãnh đạo cao nhất của một doanh nghiệp nhà nước (DNNN), dù đã nghỉ hưu hơn 5 năm, vẫn bị khởi tố điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, càng cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ: Không có vùng cấm trong chống tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Cụ thể, từ năm 2006-2011, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) và một số đơn vị thành viên đã đầu tư nhiều khoản kiểu “đốt tiền” vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính và công ty sân sau của một số lãnh đạo tập đoàn trên 8.300 tỷ đồng.
Thua lỗ, sai phạm của VRG có thể được xem như giọt nước tràn ly của thực trạng quản trị DNNN không chuyên nghiệp. Từ vụ việc của Vinashine, Vinalines, đến Tập đoàn Hóa chất (Vichem), Tập đoàn Dầu khí (PVN)… dư luận xã hội thật sự bàng hoàng trước những con số thua lỗ, nợ đọng của DNNN lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng. Xin được nêu lại vài con số nhức nhối: Tính đến hết năm 2016 tổng số nợ phải trả của DNNN hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2015.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,23 lần, trong đó có 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Một số ông lớn được điểm danh có nợ phải trả lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ phải trả 486.981 tỷ đồng (công ty mẹ: 313.578 tỷ đồng). PVN có nợ phải trả 338.586 tỷ đồng (công ty mẹ: 87.483 tỷ đồng). Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nợ phải trả 100.729 tỷ đồng (công ty mẹ: 64.510 tỷ đồng). Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, nợ phải trả 75.111 tỷ đồng (công ty mẹ: 39.674 tỷ đồng)...
Đặc biệt, trong 12 dự án ngàn tỷ đồng thua lỗ của Bộ Công Thương, với tổng nợ phải trả hơn 55.000 tỷ đồng (trong khi tổng tài sản của 12 nhà máy xấp xỉ 57.600 tỷ đồng), có 4 dự án của Vinachem, 5 dự án của PVN và 2 dự án có bóng dáng Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel). Điều đáng nói, theo nhiều dự báo trong năm 2017 mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12.000-14.000 tỷ đồng.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Trong nhiều văn kiện của Đảng xác định, DNNN phải không ngừng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế. Định hướng là vậy, nhưng trong thực tế, khối DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 hồi tháng 5-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đắp chiếu, làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…”.
Vấn đề dư luận đặt ra là để mất hàng ngàn tỷ đồng không thể là câu chuyện một vài vị lãnh đạo DN nào đó thực hiện trong thời gian ngắn. Nó phải là câu chuyện diễn ra có quá trình, thế nhưng nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan chẳng hay biết gì. Rõ ràng, đây là hệ quả của sự thiếu chuyên nghiệp trong quản trị DN, việc mù mờ và bưng bít thông tin trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của DNNN.
Trên thực tế, những hạn chế, yếu kém của khối DNNN đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chậm có sự chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Thực trạng này đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa.