Ứng phó rào cản thương mại

(ĐTTCO) - Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ không phải “miếng ngon dễ xơi” cho các DN, bởi thị trường này liên tục tăng cường các rào cản thương mại với hàng nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. 
Ứng phó rào cản thương mại
Tiêu biểu nhất là con tôm và cá da trơn. Theo đó, nửa đầu năm 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam thêm 5 năm, mức thuế áp cho từng khoảng thời gian cụ thể sẽ được phán quyết sau các đợt rà soát hành chính của DOC, bắt đầu từ năm 2018.
Cùng với đó, cá da trơn (cá tra) Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn do các rào cản Hoa Kỳ đưa ra liên quan đến thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn. Rào cản thuế đã khiến số lượng DN Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ chỉ còn vài DN và nay với chương trình thanh tra cá da trơn sẽ khiến DN gặp khó khăn hơn. Những rào cản này khiến xuất khẩu cá tra và tôm sang thị trường Hoa Kỳ năm qua đều giảm. Cụ thể, cá tra giảm khoảng 10% và tôm giảm khoảng 7,5% so với năm trước. 
Chưa hết, trong tháng cuối cùng của năm 2017 ngành thép Việt Nam cũng nhận những thông tin bất lợi từ thị trường Hoa Kỳ. Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết sẽ đánh mức thuế rất cao, bao gồm cả thuế chống bán phá giá và thuế chống lẩn tránh thuế cho 2 sản phẩm tôn mạ và thép cuộn cán nguội, nếu các sản phẩm này có nguồn gốc nguyên liệu sản xuất là từ thép cán nóng của Trung Quốc. 
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, rào cản thương mại các nước dựng lên là bình thường. Để ứng phó các DN nên có những tìm hiểu kỹ những vấn đề liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp; đồng thời hợp tác với nhà nhập khẩu để vượt qua rào cản đưa hàng vào các thị trường lớn. Điều đáng mừng là nhiều DN đã có sự chủ động trước cáo buộc của Hoa Kỳ.
Như Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại hỗ trợ DN sản xuất thép thông qua việc phản đối các hành vi không phù hợp với pháp luật quốc tế của Hoa Kỳ; đề nghị DOC tuân thủ các quy định của WTO. Trong trường hợp Hoa Kỳ không thay đổi quan điểm, Hiệp hội Thép kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO. 
Vấn đề là vai trò của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ DN trước những rào cản này. Mới đây Việt Nam đã khiếu nại biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ lên WTO. Đây là vụ việc khiếu nại thứ 4 của Việt Nam lên WTO và là vụ việc khiếu nại thứ 3 của Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Theo đánh giá đây là những động thái tích cực của phía Việt Nam, dù thời gian theo đuổi những vụ việc này thường mất chừng vài năm và có rất nhiều việc phải làm. 

Các tin khác