Ứng xử nợ của Vinashin và Vinalines?

Những thông tin về việc Vinashin đạt được thỏa thuận với số chủ nợ nắm giữ 75% trong khoản nợ 600 triệu USD trái phiếu quốc tế hoán đổi sang nợ trái phiếu có kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm là một giải pháp tái cơ cấu nợ tốt. Đây cũng là hướng đi trong việc xử lý các khoản nợ của 2 doanh nghiệp Vinashin, Vinalines.

Những thông tin về việc Vinashin đạt được thỏa thuận với số chủ nợ nắm giữ 75% trong khoản nợ 600 triệu USD trái phiếu quốc tế hoán đổi sang nợ trái phiếu có kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm là một giải pháp tái cơ cấu nợ tốt. Đây cũng là hướng đi trong việc xử lý các khoản nợ của 2 doanh nghiệp Vinashin, Vinalines.

Ráo riết thu hồi nợ

Theo nguồn tin ĐTTC, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) đang tận dụng mọi biện pháp có thể để xử lý những khoản nợ đang tồn đọng tại Vinashin, Vinalines trong bối cảnh chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng.

Theo số liệu đã được kiểm toán, kết thúc năm tài chính 2012, tổng dư nợ tín dụng PVFC đã cấp cho Vinashin và Vinalines hơn 2.726 tỷ đồng, cải thiện hơn so với con số được công bố tại thời điểm cuối tháng 5-2012 là 2.813 tỷ đồng.

Hiện PVFC đang tiếp tục làm việc với Vinashin, Vinalines và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản cho vay này. Một trong những điểm đáng chú ý xử lý đối với các khoản nợ liên quan đến Vinashin, là năm 2012 PVFC đã tiếp nhận thêm tài sản đảm bảo (2 xe ô tô) và đang trong quá trình xử lý bán tài sản đảm bảo là con tàu được dùng làm tài sản đảm bảo của CTCP Vận tải dầu khí thuộc Vinalines (trị giá xác định năm 2007 là hơn 186 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, một khoản khoảng 200 tỷ đồng từ các doanh nghiệp trong ngành dầu khí làm dịch vụ cho Vinashin cũng đang được xúc tiến.

 

Cũng trong năm 2012, PVFC đã nhận tài sản đảm bảo bổ sung từ hoạt động tín dụng với Vinalines, là các tài sản hình thành từ dự án cảng Phú Hữu (Đồng Nai) và đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý với dự án này.

Nhận xét về dự án trên, đại diện của PVFC bình luận, triển vọng lâu dài có thể sẽ tốt, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhà đầu tư, quy mô đầu tư trong tương lai.

Hiện có một số nhà đầu tư đang phối hợp với PVFC để nghiên cứu. Ngoài ra, một phương án khác cũng được tính đến là sẽ chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác thay thế cho chủ đầu tư cũ vốn đang nợ PVFC là CTCP Vận tải dầu khí (Falcon).

2 khoản nợ lớn từ Vinashin và Vinalines đã đè nặng lên kết quả kinh doanh của PVFC khi kết quả năm 2012 (báo cáo tài chính kiểm toán 2012 đã phải trưng ra hết những số liệu về nợ của 2 “Vina” vốn thuộc hạn chế phạm vi kiểm toán) với tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 54,7 tỷ đồng, giảm so với con số gần 400 tỷ đồng của năm 2011.

Một trong những nguyên nhân là do khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 375 tỷ đồng. Trong năm 2012, chỉ riêng một khoản trích lập dự phòng đối với khoản vay cho một đơn vị trực thuộc Vinashin là hơn 63,4 tỷ đồng.

Hiện PVFC đang có kế hoạch trích lập dự phòng theo lộ trình đối với các khoản tín dụng tại 2 doanh nghiệp trên. Thông tin từ PVFC cho biết, hiện các biện pháp để xử lý nợ vẫn đang được doanh nghiệp này xúc tiến, đặc biệt là làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản cho vay này.

Hoán đổi nợ thành trái phiếu?

Câu chuyện của PVFC là một hình ảnh rõ ràng nhất trong việc tìm cách ứng xử với các khoản nợ các đơn vị khác đã cho Vinashin và Vinalines vay mà đến nay khả năng thu hồi được bao nhiêu vẫn còn bỏ ngỏ.

Không rõ các bước xử lý các khoản nợ của Vinashin và Vinalines mà khoảng 10 ngân hàng thương mại khác cho vay ra sao, nhưng rõ ràng đó là bài toán không hề dễ khi những khoản nợ chồng chất còn đó và không có vốn để sản xuất kinh doanh (Vinashin), thậm chí tiệm cận phá sản như Vinalines.

Rõ ràng, tái cơ cấu nợ của Vinashin và Vinalines đòi hỏi phải có cách xử lý một cách rốt ráo, căn cơ hơn. Cùng với việc sắp xếp bằng việc thoái vốn, sáp nhập hay phá sản doanh nghiệp không cần nắm giữ, cổ phần hóa, bán tàu để trả nợ... một chuyên gia kinh tế cho rằng nên chăng có cách xử lý bài toán nợ của 2 doanh nghiệp này bằng việc hoán đổi khoản nợ sang trái phiếu - một dạng tương tự như thông tin gần đây về việc hoán đổi khoản nợ 600 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Chuyên gia này cũng cho rằng, với việc chuyển nợ của 2 doanh nghiệp này với các khoản vay nội địa mà không cần có sự bảo lãnh thì có thể thực hiện được, vì đó là thỏa thuận giữa chủ nợ và con nợ.

Điều này cũng có thể được sự đồng thuận từ 2 phía bởi với những khoản nợ được coi là “quá xấu” của Vinashin hay Vinalines hiện nay, việc tái cơ cấu nợ như vậy cũng không làm cho tình hình trầm trọng thêm.

Nếu có thể, cho phép thực hiện được phương án này sẽ làm cho tình hình tài chính của cả các chủ nợ và doanh nghiệp nợ bớt xấu đi: doanh nghiệp có điều kiện vay vốn để ổn định sản xuất kinh doanh và trả nợ, còn các tổ chức tín dụng giảm một phần áp lực từ việc cho vay này. Nhưng đó là trong trường hợp Vinashin, Vinalines không thể phá sản.

Các tin khác