Cuối tuần qua, giá vàng đã hạ nhiệt sau khi vượt 47,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, do giá vàng trong nước còn đắt so với giá vàng thế giới đã khiến giá USD cuối tuần qua có xu hướng tăng trở lại sau nhiều tháng ổn định. Vấn đề quan tâm của người dân và doanh nghiệp hiện nay là giá USD từ nay đến cuối năm liệu có “sóng” theo quy luật thường xảy ra vào những tháng cuối năm.
USD có “té” theo vàng?
Cuối tuần qua, giá USD các NHTM hầu như không có biến động so với chốt ngày trước đó. Theo đó, giá USD của Vietcombank, Eximbank và ACB vẫn ổn định với giá mua vào 20.810-20.830 đồng/USD và bán ra 20.870 đồng/USD. Mức giá bán này được duy trì từ tuần trước (7-9). NHNN niêm yết tỷ giá bình quân liên NH ngày cuối tuần (15-9) vẫn ở mức 20.828 đồng/USD; tỷ giá trần của các NHTM 21.036 đồng/USD.
Trong khi đó, trên thị trường tự do tại TPHCM giá USD phổ biến ở mức 20.860 đồng (mua vào) và 20.880 đồng (bán ra), cao hơn 20 đồng/USD so với ngày trước đó, tăng không đáng kể so với thị trường chính thức, thấp hơn tỷ giá trần của các NHTM. Dù nhu cầu giao dịch USD không có đột biến nhưng có ý kiến cho rằng giá USD tăng trở lại trên thị trường tự do sau nhiều tháng giảm cho thấy đang chịu tác động từ giá vàng.
Theo nguyên tắc giá vàng tăng, giá USD sẽ giảm. Đặc biệt việc NHNN quản lý khuôn đúc vàng miếng SJC nhằm triệt tiêu tình trạng hợp thức hóa vàng nhập lậu, cửa tăng giá USD trên thị trường tự do sẽ không còn. Tuy nhiên, mấy ngày qua, cùng với sự xuất hiện của vàng giả thương hiệu SJC, giá USD có dấu hiệu tăng. Tính chung cả tuần qua, giá vàng tăng 750.000 đồng/lượng nhờ hỗ trợ bởi lực tăng của giá vàng thế giới.
So với cuối tháng 8, giá vàng hiện đã tăng thêm 2,5 triệu đồng/lượng và chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước tăng cao, gần 2,5 triệu đồng/lượng, sẽ khiến giới nhập lậu vàng hoạt động trở lại, nhập vàng thương hiệu giả SJC để kinh doanh. Chưa kể, khi giá vàng tăng cao, giới đầu tư sẽ bán một phần vàng, chuyển qua mua ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế gia tăng vào những tháng giáp Tết.
Không đáng lo
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, dự trữ ngoại hối nước ta từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh trở lại. Cuối năm 2011, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tụt xuống còn 9 tỷ USD, nhưng đã tăng trong 6 tháng đầu năm 2012, với mức tăng thêm hơn 10 tỷ USD, đạt mức 10 tuần nhập khẩu và có thể đạt 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm.
Giao dịch ngoại tệ tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG |
Hơn nữa, các yếu tố khác giúp hỗ trợ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm là thâm hụt thương mại thấp, tín dụng ngoại tệ đang có dấu hiệu giảm mạnh khi lãi suất cho vay bằng VNĐ giảm thấp dưới trần lãi suất huy động 9%/năm; tình hình nhập khẩu vẫn giảm do nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chưa phục hồi được sản xuất, nên nhu cầu ngoại tệ không lớn, sẽ không gây áp lực quá lớn những tháng cuối năm.
Trong khi đó, các NHTM đang bị NHNN siết trạng thái ngoại tệ vào cuối mỗi ngày phải được co hẹp về mức ±20%, từ mức ±30% so với vốn tự có trước đây. Như vậy, tỷ giá sẽ không bất ổn từ nguy cơ đầu cơ của các NHTM lẫn giới đầu cơ trên thị trường tự do.
Theo chuyên gia NH Đinh Thế Hiển, với dấu hiệu kinh tế vĩ mô đang được kiểm soát tốt, mức độ nhập siêu đang giảm, tỷ giá cuối năm nếu có tăng cũng chỉ trong mức 21.000-21.500 đồng/USD. Như vậy, tiền đồng vẫn là lựa chọn của nhiều người dân hiện nay, khi mức tăng của tỷ giá cộng lãi suất tiền gửi ngoại tệ không đủ hấp dẫn họ chuyển dịch dòng tiền, gây “sóng” cho thị trường ngoại tệ tự do.
Bên cạnh đó, khi Hoa Kỳ công bố gói cứu trợ QE3 không thời hạn để kích thích tăng trưởng kinh tế, đã khiến giá USD trên thị trường thế giới giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Điều này cũng góp phần ổn định tỷ giá ở nước ta. Tuy nhiên, để tỷ giá ổn định, VNĐ lấy lại vị thế, điều quan trọng là cần ổn định kinh tế vĩ mô để niềm tin vào nội tệ ngày càng tốt hơn. Đây sẽ là giải pháp vững chắc để ổn định thị trường ngoại hối.
Đặc biệt, thị trường vàng và ngoại tệ có liên quan mật thiết với nhau, nếu những bất ổn trên thị trường vàng vẫn còn, thị trường ngoại tệ sẽ chịu tác động mạnh. Tuy nhiên, nếu biết khai thác và quản lý thị trường vàng một cách hiệu quả sẽ không chỉ ổn định thị trường ngoại tệ, mà còn là cơ hội giúp Việt Nam có lượng ngoại tệ dồi dào phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.