Ngày càng có nhiều lãnh đạo của Fed bày tỏ quan điểm ‘diều hâu’ về chính sách lãi suất của Mỹ trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương nước này phải đối mặt với lạm phát tăng cao.
Chủ tịch Fed San Francisco, Mary Daly, hôm thứ Tư (24/11) cho rằng Fed nên đẩy nhanh tốc độ giảm mua trái phiếu Chính phủ. Trước đó, Phó chủ tịch Fed, Richard Clarida tuần trước cũng nói rằng đã đến lúc thích hợp để thảo luận về việc đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh chính sách tiền tệ - dự kiến sẽ diễn ra tại cuộc họp tháng 12 tới (14-15/12).
Sức mạnh của đồng đô la càng được củng cố do "Lãnh đạo của ECB đang thể hiện thái độ sẵn sàng ôn hòa, trái với việc Fed bắt đầu thể hiện một chút lo lắng về lạm phát. Đó có thể sẽ là lý do đẩy nhanh sự khác biệt về chính sách (giữa hai ngân hàng trung ương)", ông Lou Brien, chiến lược gia thị trường thuộc DRW Trading ở Chicago cho hay.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 24/11 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,38% lên 96,864. Đồng euro cùng thời điểm giảm 0,44% xuống 1,1199 USD.
Biên bản cuộc họp gày 2-3/11 của Fed được thị trường chờ đợi bởi có thể sẽ có dấu hiệu mới cho thấy Fed sẽ đẩy nhanh tiến độ mua trái phiếu và tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Đồng tiền chung đã bị ảnh hưởng bởi dữ liệu cho thấy tinh thần kinh doanh của Đức tháng 11 sa sút tháng thứ 5 liên tiếp do tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ảnh hưởng đến sản xuất và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Đồng đô la Mỹ cũng đạt mức cao nhất trong 4,5 năm so với yen Nhật, là 115,44 JPY sau khi dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tháng 10 tăng hơn dự kiến trong khi áp lực giá cả cùng tháng cũng tăng cao.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 10/2021 đã tăng 1,7% so với tháng trước đó và là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2021, đem lại cho các chuỗi cửa hàng bán lẻ quy mô lớn lợi nhuận cao hơn kỳ vọng và vẽ nên một bức tranh đáng ngạc nhiên về sự tích cực của người tiêu dùng Mỹ.
Đồng bạc xanh cũng đạt mức cao nhất 7 tháng so với đồng franc Thụy Sĩ.
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần vừa qua giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969 (52 năm), trong khi dữ liệu tổng sản phẩm quốc quý 3 đã tăng trưởng chậm lại.
Thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong quý 3, với GDP tăng ở tốc độ 2,1% so theo năm, là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hơn một năm, mặc dù đã được điều chỉnh tăng nhẹ so với tốc độ mở rộng 2,0% được báo cáo vào tháng 10.
Đơn đặt mua hàng hàng hóa lâu bền ở Mỹ trong tháng 10 cũng giảm 0,5% trong tháng trước đó, sau khi giảm 0,4% trong tháng 9, ngay cả khi đơn đặt hàng đối với hàng hóa cơ bản phi quốc phòng, không bao gồm máy bay – một chỉ báo được theo dõi chặt chẽ để làm cơ sở cho các kế hoạch chi tiêu kinh doanh – tháng 10 tăng 0,6%.
Đồng đô la New Zealand giảm 1,13% xuống 0,6870USD, thấp nhất kể từ ngày 30 tháng 9, sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm lên 0,75%, làm thất vọng một số nhà giao dịch – trước đó dự kiến rằng New Zealand có thể tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm.
Bảng Anh chạm mức thấp nhất trong năm 2021 so với USD do đồng bạc xanh tăng giá mạnh. Tuy nhiên, bảng tăng nhẹ so với euro. Các nhà đầu tư vẫn tập trung vào việc liệu Ngân hàng Trung ương Anh có tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 hay không, và băn khoăn về tác động của làn sóng Covid-19 mới trên khắp lục địa đối với kinh tế Anh.
Đồng bảng Anh kết thúc ngày 24/11 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% so với đồng đô la, trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2020, là 1,3324 USD.
Theo các nhà phân tích của ING, đồng bảng Anh có vẻ ít bị tổn thương hơn so với đồng euro trong bối cảnh đại dịch, có thể bởi các nhà đầu tư suy đoán rằng Anh sẽ né tránh được một đợt Covid-19 nghiêm trọng khác.
Rúp Nga gần đây liên tục giảm mạnh do lạm phát tại nước này tăng vượt mức dự báo của Bộ trưởng Bộ Kinh tế.
Trong 4 tuần qua, rúp giảm khoảng 8% giá trị so với USD, giảm xa khỏi mức cao nhất nhiều tháng là 69,21 rúp đạt được vào cuối tháng 10, xuống 75 rúp hiện nay, do áp lực bán ra liên quan đến lo ngại của phương Tây về khả năng Nga can thiệp quân sự vào Ukraine.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm do những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đẩy USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt.
Kết thúc ngày 24/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.782,81 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,1% xuống 1.781,70 USD.
Vàng đã trượt xuống dưới mốc quan trọng 1.800 USD vào đầu tuần này khi Chủ tịch Fed Jerome Powell được tái đề cử làm gia tăng tỷ lệ đặt cược rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến trước đây.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures, cho biết thị trường vàng đang bị áp lực bởi lo ngại rằng Fed có thể bắt đầu tăng tốc độ giảm kích thích kinh tế hoặc nâng lãi suất sớm hơn dự đoán trước đây.
Bitcoin đã trải qua ngày 24/11 biến động "như tàu lượn", tăng mạnh vào đầu phiên, lên sát 58.000 USD, nhưng quay đầu giảm vào cuối phiên, xuống hơn 56.000 USD.
Trong thông báo gửi tới El Salvador ngày 22/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nước này không nên sử dụng Bitcoin làm tiền tệ chính thức do đồng tiền kỹ thuật số này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. IMF cho rằng việc sử dụng Bitcoin cũng có nguy cơ tạo ra các khoản nợ tài chính bất ngờ, do đó Bitcoin không nên được sử dụng làm tiền tệ hợp pháp; đồng thời khuyến nghị El Salvador nên thu hẹp phạm vi điều luật cho phép hợp pháp hóa Bitcoin, đồng thời hối thúc việc tăng cường quy định và giám sát hệ sinh thái thanh toán mới.