![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. |
(ĐTTC) - Hôm nay 4-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2012.
Theo đó trong tháng 1-2012, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán.
Kết quả tổng mức bán lẻ cả nước tăng 22% nhưng CPI tháng 1-2012 chỉ tăng 1% so với tháng trước (mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm gần đây). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2012 giảm 12,9% so với tháng 12-2011 và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, một số sản phẩm có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ như: thủy hải sản chế biến 10,2%, khai thác dầu thô và khí tự nhiên 9,4%, thức ăn gia súc 5,5%... Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu khoảng 6,6 tỷ USD lần lượt bằng 88,9% và 81,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất trong tháng 2 và các tháng tiếp theo tập trung thực hiện một số giải pháp, chính sách trọng tâm sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát về 1 con số, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt, chặt chẽ, từng bước hạ lãi suất, đồng thời có chính sách thuế, phí hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để làm cơ sở ổn định vĩ mô, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Các bộ, ngành chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, đặc biệt bảo đảm kế hoạch sản xuất công nghiệp và thời vụ sản xuất nông nghiệp ngay từ đầu năm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ưu tiên đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tranh thủ lợi thế về ổn định kinh tế - xã hội tiếp tục thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn bên ngoài (ODA, FDI, FII, kiều hối), nhất là khi nhà đầu tư đang tìm cơ hội ở các nước mới nổi; tập trung thu hút khách du lịch quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, tập trung vào các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để vừa phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm. Tăng cường phát triển thị trường trong nước nhằm tăng sức mua của người dân, đưa hàng hóa, dịch vụ về nông thôn, phát triển các hình thức tín dụng tiêu dùng, đổi mới kênh thu mua, phân phối hàng hóa dịch vụ theo hướng hiệu quả, chống đầu cơ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng...
Từng bước nâng cao mức tiêu dùng nội địa trong cơ cấu GDP. Đẩy nhanh hoàn thiện các đề án tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước một cách đồng bộ, hiệu quả. Kết hợp hài hòa và xác định rõ 3 vấn đề tái cơ cấu phải thực hiện đồng bộ và có giải pháp linh động, sáng tạo trong triển khai.
Đảm bảo vốn đầu tư vào những công trình thiết yếu phục vụ dân sinh và sản xuất, trong đó ưu tiên hỗ trợ vốn cho xuất khẩu, bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA (nhất là các dự án hạ tầng cơ sở), đầu tư cho nông nghiệp gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động, đầu tư vào khuyến nông, hạ tầng nông nghiệp để phát triển nhiều loại sản phẩm.