Ưu tiên vốn ODA xây dựng kết cấu hạ tầng

Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015 đã chính thức được Chính phủ thông qua.

Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 - 2015 đã chính thức được Chính phủ thông qua.

Theo đề án này, một trong những định hướng ưu tiên hàng đầu trong việc sử dụng nguồn vốn ODA là hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, trong đó tập trung vào 3 đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.

Nguồn vốn này cũng được xác định là sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020, cũng như hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia giai đoạn 2012 - 2015.

Các sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường cao tốc, hệ thống nguồn điện, lưới điện… sẽ được ưu tiên cao nhất trong sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để phát triển.

Một ưu tiên quan trọng khác, theo thông tin từ Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đó là sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho các dự án quan trọng khó có khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và vốn vay thương mại. Xét trên khía cạnh này, ODA sẽ được coi như một nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau, trong đó có hợp tác công - tư (PPP).

Bên cạnh đó, một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy thương mại, góp phần tạo công ăn việc làm và tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng, các địa phương.

Để thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, Việt Nam cần một lượng vốn đầu tư khoảng 250 - 260 tỷ USD, trong đó vốn trong nước chiếm 75 - 80%, vốn nước ngoài 20 - 25%. Trong số này, vốn ODA và vốn vay ưu đãi được xác định là một nguồn vốn vô cùng quan trọng.

Theo kế hoạch, mục tiêu  vận động và thu hút vốn ODA giai đoạn tới sẽ khoảng 32 - 34 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 14 - 16 tỷ USD (khoảng 6% tổng đầu tư xã hội), trong đó 50% vốn giải ngân từ các chương trình,  dự án đã ký kết trong giai đoạn 2006 - 2010 chuyển sang. 

Đây là thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, hầu hết các nhà tài trợ sẽ điều chỉnh và thay đổi chính sách viện trợ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, một số nhà tài trợ song phương cũng có thể chuyển đổi hình thức quan hệ hợp tác chính thức sang hỗ trợ trực tiếp để phát triển quan hệ giữa các đối tác, như quan hệ giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu...; thậm chí cũng sẽ có nhà tài trợ có thể sẽ chấm dứt viện trợ phát triển cho Việt Nam...

Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các giải pháp để thúc đẩy thu hút, cũng như giải ngân vốn ODA.

Các tin khác