Sự ra đời của CMSC được kỳ vọng rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Tại buổi ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của CMSC trong đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của DNNN, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của DNNN”.
Trước khi được chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về CMSC, 19 tập đoàn, tổng công ty trọng yếu này nằm rải rác trực thuộc các bộ quản lý ngành. Điều này đã dẫn đến ý kiến mà dư luận đã từng nêu là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tạo một môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng do chính sách bị kêu ca là có lợi cho “con đẻ” - tức DN thuộc bộ mình quản lý, mà quên đi rằng chính sách đó phải tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa tất cả các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, dù là cơ quan đại diện vốn nhà nước nhưng khi xảy ra bê bối, vi phạm pháp luật tại DN cũng rất khó quy trách nhiệm cho các bộ, ngành. Đây cũng là điều được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến tại lễ ra mắt khi đề cập đến trường hợp của Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) đổ bể và đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Từ đó, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của DN; nâng cao trách nhiệm giải trình; giám sát tình trạng thất thoát vốn nhà nước, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của DNNN; bảo toàn phát triển vốn nhà nước tại DN trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP, CMSC chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và trước pháp luật về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và gia tăng tổng giá trị danh mục vốn nhà nước đầu tư vào DN được giao quản lý; không can thiệp ngoài thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông của DN; không quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền hợp pháp của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, đại hội cổ đông, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc DN theo quy định của pháp luật và điều lệ DN.
Điều đó có nghĩa, CMSC là cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DN, nhưng để hoạt động hiệu quả ra sao phụ thuộc rất nhiều vào bản thân từng tập đoàn, tổng công ty và hoạt động của CMSC sẽ có tác động rất lớn khi mục tiêu chính của dòng vốn nhà nước là phải được dẫn vào những nơi mà khu vực tư nhân không thể vào, không muốn vào; những lĩnh vực tạo tác động liên kết, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC, nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ lần thứ 4, đồng thời triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử, CMSC đã nghiên cứu xây dựng phần mềm bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả DN để kết nối trực tiếp với các DN được giao quản lý. Bộ chỉ số bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành/lĩnh vực, có xem xét với tương quan ngành trong toàn thị trường.
Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo của DN đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định hiện hành nhờ hệ thống mạng và phần mềm chuyên biệt phục vụ tổng hợp, phân tích và xử lý dữ liệu. Dự kiến khi tiếp nhận DN, CMSC sẽ triển khai kết nối để cập nhật tình hình hoạt động của DN thường xuyên liên tục, phấn đấu cập nhật giám sát đầy đủ tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của DN.
Với giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về CMSC là trên 1 triệu tỷ đồng (chiếm 2/3 vốn nhà nước tại DN), tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng, rõ ràng, kỳ vọng để nguồn vốn này sinh sôi nảy nở là rất lớn. Trong đó, CMSC có vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động của các DN, để sao cho DN hoạt động hiệu quả, cảnh báo kịp thời những rủi ro có thể xảy ra, không bị thất thoát tài sản nhà nước…
Và, tất cả những kỳ vọng đó đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại lễ ra mắt: “Kỳ vọng của người dân, xã hội, cả hệ thống chính trị đặt lên vai các đồng chí rất lớn. Là cơ quan mới thành lập, CMSC sẽ có rất nhiều công việc phải làm và cũng sẽ có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của CMSC”.