Đây là năm đầu tiên vải thiều Hải Dương sẽ được bán trực tuyến, bên cạnh kênh truyền thống. Để đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử, không hề dễ. Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trở ngại lớn nhất là nhận thức của doanh nghiệp, hộ trồng với phương thức kinh doanh trực tuyến qua sàn thương mại điện tử còn hạn chế.
Chưa kể, họ cũng cần nắm các quy tắc về marketing, quy trình bán hàng trên sàn online, hay cách chăm sóc khách hàng, quản lý chất lượng...
Vì thế, để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản tiềm năng như vải thiều Hải Dương, cơ quan này phối hợp với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tập huấn cho doanh nghiệp, hộ trồng về truy xuất nguồn gốc, các thủ tục mở, tham gia gian hàng trên 4 chợ online nêu trên.
Năm 2020, sản lượng vải Hải Dương đạt 43.000 tấn, trong đó một nửa tiêu thụ nội địa, còn lại xuất khẩu. Trong số này, khoảng 1.600 tấn vải thiều Hải Dương được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ. Con số này tăng 1.000 tấn so với năm 2019.
Niên vụ vải năm 2021, Hải Dương có trên 9.100 ha vải với sản lượng ước khoảng 55.000 tấn. Một nửa sản lượng vải sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, 5-7% xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Australia, còn lại tiêu thụ trong nước và dành cho chế biến.
Còn với vải thiều Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vụ năm nay sản lượng vải đạt khoảng 180.000 tấn, trong đó 50% xuất khẩu, 50% tiêu thụ trong nước. Thời gian thu hoạch vụ sớm từ 20-5 và chính vụ 10-6 đến 20-7.
Hiện có gần 300 thương nhân Trung Quốc đăng ký sang thu mua vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Số được cấp phép nhập cảnh đợt 1 khoảng 170 người. Tất cả thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều Bắc Giang phải cách ly y tế tập trung, có xét nghiệm âm tính và tuân thủ các quy định phòng dịch trước khi đi tìm hiểu, thu mua vải thiều Lục Ngạn.
Sản lượng dự kiến xuất bán sang Trung Quốc khoảng 95.000 tấn, tương ứng 149 mã vùng trồng tại 4 huyện Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn.
30 mã vùng trồng, sản lượng khoảng 1.860 tấn được Bắc Giang tập trung phát triển dành cho xuất khẩu sang thị trường Nhật. Khoảng 1.850 tấn dành xuất khẩu sang Mỹ, EU, Australia...