Từ đầu tuần này, VAMC đã chính thức mua những khoản nợ xấu đầu tiên từ các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt. Dự kiến từ nay đến hết năm 2013 VAMC sẽ mua tối thiểu 30.000 tỷ đồng nợ xấu bằng phương thức này. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực VAMC, cho biết sau giai đoạn đầu mua nợ xấu, VAMC sẽ tập trung xử lý khối nợ xấu này bằng nhiều giải pháp khác nhau, chứ không mua nợ về rồi để đó hoặc trông chờ cơ hội bán tài sản đảm bảo.
Phá “vòng kim cô”
Trong tuần này, VAMC chính thức tiến hành mua nợ xấu của 4 TCTD là Agribank, SCB, SHB, và PG Bank. NH đầu tiên ký hợp đồng bán nợ xấu cho VAMC là Agribank với tổng giá trị trên sổ sách là 2.534 tỷ đồng (của 11 khách hàng), giá bán 1.723 tỷ đồng. Thông tin từ Agribank cho biết, với việc bán các khoản nợ xấu cho VAMC đợt này NH giảm được 7,56% tổng nợ xấu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết với khoản nợ này, giá mua được tính bằng giá trị ghi sổ trừ đi số dự phòng đã được trích mà chưa sử dụng. Nghĩa là Agribank đã tự trích lập gần 800 tỷ đồng cho số vốn cho vay của 11 khách hàng nói trên.
Thời gian qua có khá nhiều lời đề nghị từ nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề mua lại nợ xấu của VAMC, nhưng VAMC chưa đặt vấn đề ký kết, hợp tác, vay vốn hay mua bán nợ đối với đối tác này. Có những nhà đầu tư nước ngoài đề cập đến vấn đề mua bán theo giá thị trường, nhưng hiện tại vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng nên vấn đề đặt ra không khả thi. Chúng tôi phải thận trọng, mục đích cuối cùng là quyền lợi của các TCTD, của doanh nghiệp chứ không phải thông qua VAMC mà bán lại tài sản của doanh nghiệp, NH với một giá rẻ cho các tổ chức quốc tế. Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG, |
Nhiều ý kiến cho rằng các TCTD sẽ e ngại không muốn bán nợ xấu cho VAMC vì không muốn công khai tỷ lệ nợ xấu của mình. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Sau khi có cơ chế rõ ràng, những khúc mắc được giải đáp thỏa đáng, các TCTD đã nhiệt tình hơn trong việc bán nợ xấu cho VAMC.
Hiện có khoảng 10-15 NH đăng ký bán nợ xấu cho VAMC, trong đó có 7 đơn vị đã gửi hồ sơ bao gồm cả những TCTD lớn của nhà nước. Đặc biệt, trong số này có tới 4 TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (thuộc diện không bị buộc phải bán nợ xấu cho VAMC). TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Agribank, cho rằng việc bán nợ cho VAMC sẽ tạo điều kiện rất tốt cho Agribank trong việc tiết giảm chi phí, tăng thanh khoản, cân đối nội bảng, giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng tài sản có.
Cũng đứng trên quan điểm của TCTD, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho rằng việc bán nợ xấu cho VAMC sẽ phá “vòng kim cô” cho cả doanh nghiệp và NH. Trước đây, doanh nghiệp nếu có một khoản nợ xấu thì không thể vay vốn được. NH thấy doanh nghiệp có nợ xấu cũng không dám cho vay.
“Đây là một mũi tên trúng 3 đích. Doanh nghiệp vay được vốn, NH lành mạnh hơn và kích hoạt được tín dụng, nền kinh tế được kích cầu khi dòng vốn được kích hoạt” - TS. Nguyễn Đức Hưởng nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định sau khi bán nợ NH sẽ có cơ hội cơ cấu lại chính mình để đảm bảo hoạt động an toàn; có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt vay vốn NHNN tối đa 70% để đảm bảo nguồn vốn cho vay tới doanh nghiệp. Hiện nay NHNN đang dự kiến trình Chính phủ cho áp dụng mức lãi suất trái phiếu hợp lý, thấp hơn khoảng 2% so với lãi suất vay tái cấp vốn hiện nay (7%/năm).
Tập trung tái cơ cấu thay vì bán tài sản
Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động mua nợ xấu của VAMC đã có bước khởi đầu khá thuận lợi. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, bài toán lớn nhất hiện nay là xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu ra sao sau khi được VAMC mua lại. Nếu VAMC “ôm” các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm như các công trình xây dựng, dự án dang dở, nhà xưởng, máy móc của doanh nghiệp... chắc chắn sẽ khó tìm người mua trong bối cảnh hiện nay.
![]() |
Phá băng nợ xấu không chỉ giúp cho NH mà cả doanh nghiệp, |
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Chúng tôi không mua nợ về rồi để đó hoặc trông chờ cơ hội bán tài sản đảm bảo”.
Theo ông Hùng, trách nhiệm lớn hơn của VAMC là sau khi mua nợ xấu về phải phân loại, rà soát, tái cơ cấu các khoản nợ, rồi cùng NH hỗ trợ doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, có điều kiện thực hiện chiến lược kinh doanh khả thi của mình. Với hướng xử lý này, tài sản đảm bảo của khách hàng sẽ không phải bán rẻ nên họ và NH đều được lợi. Đặc biệt, trong khi bất động sản trầm lắng hiện nay bán rẻ thì phí nên thông qua xử lý nợ, NH và doanh nghiệp đều giữ được tài sản, vẫn có vốn để hoạt động.
“Trong công ty chúng tôi nói vui với nhau, VAMC giống như bệnh viện nợ xấu, sau khi tiếp nhận bệnh nhân sẽ phải khám bệnh, phân loại bệnh, rồi chữa bệnh. Chúng tôi đang trong giai đoạn tiếp nhận bệnh nhân, sau đó sẽ phải khám bệnh, phân loại tìm thuốc cho phù hợp. Muốn làm vậy, không chỉ một mình VAMC mà còn cần hỗ trợ của rất nhiều tổ chức, các cấp lãnh đạo” - ông Hùng nói.