Vẫn có cơ hội cho các hãng hàng không

Hãng hàng không Indochina Airlines  đóng cửa, Air Mekong mới đây thông báo ngừng bay, kết quả kinh doanh của JetStar Pacific cũng chưa mấy sáng sủa… Cơ hội của các hãng hàng không tư nhân đến nay vẫn còn là ẩn số. ĐTTC đã trao đổi với ông Desmond Lin, Giám đốc phát triển kinh doanh VietJetAir, xung quanh vấn đề này.

Hãng hàng không Indochina Airlines  đóng cửa, Air Mekong mới đây thông báo ngừng bay, kết quả kinh doanh của JetStar Pacific cũng chưa mấy sáng sủa… Cơ hội của các hãng hàng không tư nhân đến nay vẫn còn là ẩn số. ĐTTC đã trao đổi với ông Desmond Lin, Giám đốc phát triển kinh doanh VietJetAir, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định như thế nào khi có ý kiến cho rằng kinh doanh lĩnh vực hàng không phải chấp nhận lỗ từ 2-3 năm mới tính chuyện có lãi?

Ông DESMOND LIN: - Để kinh doanh ngành hàng không, các hãng hàng không cần chuẩn bị nhiều yếu tố. Trong đó, chiến lược kinh doanh, lựa chọn đội máy bay phù hợp, các giải pháp kỹ thuật công nghệ... là những yếu tố đóng vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển của các hãng hàng không.

Kế đến là các yếu tố về chất lượng, dịch vụ. Kinh nghiệm kinh doanh của nhiều hãng hàng không trên thế giới cho thấy, một hãng hàng không mất trung bình 3 năm mới bắt đầu có lãi. Chúng tôi cho rằng đây là những chi phí đầu tư ban đầu chứ không coi là lỗ.

- Cho đến nay đã có 2 hãng hàng không tư nhân tạm ngưng hoạt động vì càng kinh doanh càng lỗ. VietJetAir đã chuẩn bị như thế nào?

- Chúng tôi đã có thời gian chuẩn bị 5 năm trước khi cất cánh. Kế hoạch tài chính kinh doanh và hoạt động của chúng tôi được các chuyên gia quốc tế thẩm định và đánh giá cao. VietJetAir nhận được sự hỗ trợ của các tập đoàn dịch vụ kỹ thuật và công nghệ hàng không hàng đầu thế giới như Airbus, CyberSource, SIAEC…

Tất cả các đường bay của VietJetAir đều được chúng tôi đầu tư và phát triển chất lượng dịch vụ thuận tiện, chu đáo. Bên cạnh đó, chúng tôi quản lý chi phí chặt chẽ để đảm bảo giá thành cho các chuyến bay.

Đường bay khai trương của VietJetAir đã được chọn là top 5 đường bay khai trương thành công nhất thế giới cùng với các hãng không hàng đầu thế giới như SpiceJet (Ấn Độ), EasyJet (Anh Quốc), Southwest (Hoa Kỳ) và AirAsia X (Malaysia), trong khuôn khổ giải thưởng toàn cầu “Budgie$ & Travel Awards 2012” tổ chức tại Anh Quốc.

Một hãng hàng không mới chính thức cất cánh hơn 1 năm như VietJetAir vươn lên chiếm vị trí thứ hai về thị phần và mở đường bay quốc tế cho thấy thực tế các hãng cũng có thể phát triển nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và có những bước đi phù hợp.

Riêng VietJet Air, hãng đã phát triển đội tàu bay mới, hiện đại để mang đến cho hành khách nhiều sự lựa chọn về giờ bay và mạng bay, điều phối tối ưu hóa lịch bay để đảm bảo giữ vững tỷ lệ các chuyến bay đúng giờ và chất lượng dịch vụ hàng không theo chuẩn quốc tế. Với chính sách giá vé phù hợp, dịch vụ thân thiện, tỷ lệ lấp đầy khách bình quân của VietJetAir là 87% trong năm 2012.

Các chỉ tiêu đề ra cho năm 2012 chúng tôi đều đạt và vượt. Theo kế hoạch kinh doanh, hãng dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 3, nhưng chúng tôi đang phấn đấu để có lãi ngay từ năm thứ 2.

VietJetAir vẫn kỳ vọng vào thị trường.

VietJetAir vẫn kỳ vọng vào thị trường.  

- Ông có nghĩ rằng có sự cạnh tranh chưa sòng phẳng giữa hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) đang chiếm trên 80% thị phần với các hãng hàng không tư nhân trong nước?

- Theo tôi, dư địa phát triển kinh doanh hàng không còn rất lớn. So với con số gần 90 triệu dân có thu nhập và mức sống ngày càng cao, nhu cầu đi lại bằng hàng không sẽ còn nhiều đất để phát triển trong khi các phương tiện khác chi phí cao hơn và đầu tư lâu hơn.

Và cơ hội đang mở ra cho tất cả hãng hàng không. Có thể lấy thí dụ Malaysia chỉ có 28 triệu dân, nhưng ngành hàng không đã vận chuyển trên 40 triệu lượt hành khách trong năm 2012. Trong khi Việt Nam chúng ta dân số hơn 3 lần mà mới vận chuyển 12 triệu lượt khách.

Cùng với chính sách mở cửa của Chính phủ đối với ngành hàng không thời gian qua đã tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới, Việt Nam còn được đánh giá là đất nước có nền chính trị ổn định, là điểm đến du lịch an toàn, nên khả năng thu hút du lịch còn rất cao nếu có sự tham gia tích cực của ngành hàng không.

Cơ hội tăng trưởng và phát triển còn rất lớn nên chúng tôi hy vọng rằng sẽ hình thành sự cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích của khách hàng và vì sự phát triển hội nhập của ngành hàng không Việt Nam.

- Hiện nay, VietJetAir chỉ có vài tuyến bay đường dài trong nước và lại là hãng hàng không giá rẻ, mới đây mở tuyến sang Bangkok (Thái Lan). Đây có phải là chiến lược của VietJetAir nhằm giảm lỗ?

- Chúng tôi đã khai thác 9 đường bay nội địa và 1 đường bay quốc tế, khai thác hơn 300 chuyến bay mỗi tuần với 6 tàu bay mới, hiện đại. Trong năm 2013, chúng tôi sẽ linh hoạt phát triển đội máy bay tùy theo nhu cầu hành khách nhằm mang đến nhiều lựa chọn hơn về giờ bay và mạng bay.

Cũng trong năm nay, VietJetAir có kế hoạch mở rộng vài đường bay nội địa và sẽ lựa chọn để vươn đến vài điểm đến trong khu vực như Đông Bắc Á và phía Nam Trung Quốc. Qua việc không ngừng mở rộng đường bay và mạng bay, VietJetAir kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội bay cho tất cả mọi người, qua đó kích thích tốc độ tăng trưởng và doanh thu của hãng.

- Hiện nay VietJetAir có tổ chức tài chính nước ngoài nào đứng sau lưng hậu thuẫn?

- VietJetAir là một công ty cổ phần, có vốn pháp định hơn 600 tỷ đồng. Chúng tôi tổ chức vận hành như các DN khác, dựa trên nguồn vốn của công ty. Thú thật tới ngày hôm nay, công ty chưa sử dụng hết vốn pháp định, lượng tiền mặt dương vào cuối năm tương đối lớn.

Chúng tôi có hạn mức vay vốn lưu động tại ngân hàng nhưng hầu như không sử dụng tới. Trong kế hoạch tới đây, khi có nhu cầu mua máy bay chúng tôi sẽ thu xếp các khoản tài trợ từ các ngân hàng, có thể cả ngân hàng trong nước và quốc tế.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác