Sáng 11-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp về những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM.
Tham dự có đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; đại diện HĐND TPHCM, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, các vị trong Hội đồng Tư vấn Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các doanh nghiệp, người dân tại các quận, huyện.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát biểu kết luận hội nghị
Trong gần 2 tiếng đồng hồ, hội nghị đã ghi nhận 14 đăng ký của người dân và doanh nghiệp phát biểu về các lĩnh vực cấp giấy chứng nhận nhà đất cho hộ cá thể và doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn và những rào cản, bức xúc của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên - Môi trường, công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai tại các quận huyện thời gian qua.
Theo ông Chu Văn Diệu, Công ty Giày Bitas (quận Bình Tân), thực hiện di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoại thành, hơn 10 năm trước Công ty có đền bù, giải tỏa khu đất hơn 18ha tại phường Bình Trị Đông 2 để xây dựng nhà xưởng. Khi làm thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang công nghiệp thì được thông báo đất quy hoạch công viên cây xanh. Hơn 10 năm qua, quy hoạch thì không thực hiện, cỏ mọc ngút ngàn, dân thì xây dựng tràn lan. “Với diện tích đất còn lại, có bảo đảm thực hiện công viên, cây xanh không? Hơn 10 năm nay, đất cứ bỏ hoang hóa, lấn chiếm tràn lan như vậy, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thì không cho phép”, ông Chu Văn Diệu bức xúc nói.
Trường hợp khác, ông Nguyễn Văn Hoàng (ngụ quận 9) phản ánh trường hợp của mình khi đi đăng ký trước bạ nhà đất dù đã có giấy hẹn của Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh quận 9 nhưng đến ngày nhận kết quả lại bị trả hồ sơ vì hết lý do này đến lý do khác.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ quận 9 phát biểu tại hội nghị
Ông Hoàng nói: “Khi nộp hồ sơ, tôi có một sơ suất nhỏ trong phần điền mẫu nhưng nhân viên vẫn tiếp nhận và ra giấy hẹn. Đến ngày lấy kết quả lại yêu cầu điền lại, ra giấy hẹn 15 ngày sau nhận kết quả. Đến hẹn, lại nói thiếu cần bổ sung, lại ra giấy hẹn 15 ngày. Tới nay hơn 3 tháng vẫn chưa xong”.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Khu công nghiệp TPHCM bức xúc khi nói về thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức, doanh nghiệp.
Theo ông Bé, cách nay 3 năm, Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp đã ký kết với Sở Tài nguyên - Môi trường liên thông một cửa trong cấp giấy. Thực tế, “một cửa” nhưng lại quá nhiều khóa, doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ liên thông, nộp lên Văn phòng Đăng ký đất đai đến 1, 2 năm sau vẫn chưa được cấp. Nhiều lần doanh nghiệp có văn bản hỏi nhưng cũng không được trả lời. Ngay cả khi doanh nghiệp đã đóng đủ thuế sử dụng đất, bổ sung vào hồ sơ cũng cả năm nay chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Bé phát biểu tại hội nghị
Một trường hợp khác tại Công ty CP LTTP Colusa - Miliket có văn bản gửi Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị xác nhận thời gian sử dụng đất để nộp thuế đất theo quy định. Từ tháng 8-2019 đến nay, doanh nghiệp đi lại không biết bao nhiêu lần vẫn chưa được giải quyết, và cũng không có văn bản nào trả lời còn vướng thủ tục gì. Sự chậm trễ này khiến doanh nghiệp bị cơ quan thuế ra quyết định phạt hơn 30 triệu đồng vì chậm nộp thuế…
Luật sư Trương Thị Hòa thời gian qua được tham gia các đoàn giám sát của HĐND TPHCM tại Văn phòng đăng ký đất đai 24 quận, huyện đã chỉ ra nhiều bất cập về thể chế, thủ tục và trách nhiệm công vụ của công chức thừa hành công vụ. Thực tế cho thấy, các hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng khiến cho nhận thức của người thừa hành công vụ mỗi người mỗi cách. Từ đó, làm cho người dân và doanh nghiệp cảm thấy khó khăn, bức xúc khi thực hiện các thủ tục hành chính và cho rằng chúng ta cải cách hành chính nhưng vẫn còn tình trạng “một cửa, nhiều khóa”...
Cùng quan điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, thủ tục hành chính về nhà đất còn quá nhiêu khê, phức tạp, tập trung chủ yếu ở sự liên thông, tính pháp lý, cơ sở vật chất và con người.
Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội nghị
Phát biểu phản hồi các ý kiến của người dân và doanh nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận còn có những vướng mắc về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân.
Ông Thắng cho biết, thời gian qua ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân và doanh nghiệp. Tính đến nay đã giải quyết cấp giấy chứng nhận cho hơn 1,6 triệu hồ sơ nhà đất của tổ chức và doanh nghiệp (đạt 93%) và hơn 1,5 triệu hồ sơ của hộ gia đình cá nhân (đạt 97%).
Trung bình mỗi tháng ngành tài nguyên và môi trường giải quyết từ 50 đến 60 ngàn hồ sơ nhà đất. Hiện còn một số trường hợp chậm giải quyết do vướng pháp lý, do lịch sử để lại và do chưa hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng phát biểu phản hồi các ý kiến của người dân và doanh nghiệp
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM nói: “Hiện nay ngành tài nguyên và môi trường đã công khai trên cổng thông tin điện tử được 165/179 thủ tục. Còn 14 thủ tục nữa đang lấy ý kiến thẩm định trước khi ban hành. Chủ trương là công khai toàn bộ thủ tục hành chính cho dân biết và thực hiện; đồng thời làm cơ sở giám sát việc thực hiện. Sai ở thủ tục nào, khâu nào chậm trễ sẽ được cập nhật thường xuyên để tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết, hạn chế thấp nhất sự phiền hà, bức xúc của người dân và doanh nghiệp”.