Vận hành thu phí không dừng (ETC): Còn trục trặc, do đâu?

(ĐTTCO) - Sau gần 2 tháng triển khai thu phí không dừng (ETC) trên địa bàn TPHCM, tỷ lệ đọc thẻ thất bại tại các trạm thu phí tăng lên nhanh. Nhiều ý kiến nghi ngờ về chất lượng thẻ và hệ thống đọc thẻ ETC được dư luận đặt ra.

Trạm thu phí An Sương - An Lạc bị lỗi hệ thống 2 làn, hướng từ An Sương về An Lạc vào chiều 19-9. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trạm thu phí An Sương - An Lạc bị lỗi hệ thống 2 làn, hướng từ An Sương về An Lạc vào chiều 19-9. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều lỗi liên quan đến đọc thẻ

Tài xế Phi Hoàng (TPHCM) cho biết, anh vừa đi về giữa TPHCM và thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước), đi qua 8 trạm thu phí có thu phí không dừng nhưng nhân viên đều phải... nhập bằng tay, dùng thiết bị cầm tay để đọc thẻ hoặc nhập biển số vào hệ thống. Tài khoản của anh Hoàng còn tiền nhưng bị báo là hết tiền, nhân viên trạm thu phí yêu cầu anh lùi xe một đoạn để đưa tiền và khi lùi xe xong thì nhân viên lại báo là tài khoản đã trừ tiền rồi. “Trạm thu phí cầu Phú Mỹ dạo này làn ETC… chạy bằng cơm! Nhân viên lấy điện thoại nhập biển số rồi mở làn bằng nút xe ưu tiên”, tài xế Vũ Tuấn Trung (TPHCM) bình luận. Còn anh T. Nguyễn (TPHCM) cho biết, anh đang chạy xe biển số 51G-028… ở quận 11 mà tài khoản bị trừ tiền ở trạm thu phí cầu Phú Mỹ (quận 7). Bức xúc, anh gọi tổng đài phản ánh về việc trừ tiền vô lý trên.

Theo Sở GTVT TPHCM, từ ngày 1 đến 30-8, tổng số lượt ô tô lưu thông qua 3 trạm thu phí trên địa bàn thành phố gồm An Sương - An Lạc, xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ là gần 3,4 triệu lượt, trong đó gần 82% áp dụng thu phí không dừng. Tuy nhiên, tỷ lệ đọc thẻ thất bại tại các trạm thu phí tăng lên nhanh. Tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ (quận 7), tỷ lệ đọc thất bại của thẻ VDTC hiện khoảng 10,2%. Tại trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân), từ 30-8 đến 15-9 trung bình mỗi ngày ghi nhận 1.900 trường hợp lỗi đọc thẻ, chiếm 5% tổng lưu lượng xe có dán thẻ ETC. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO (đơn vị vận hành trạm thu phí An Sương - An Lạc) đã yêu cầu VETC bố trí 2 nhân viên túc trực tại làn thu phí dùng thiết bị cầm tay để đọc thẻ hoặc nhập biển số vào hệ thống. 

Trên cả nước, đang có 145 trạm thu phí không dừng ETC. Trong đó, VDTC vận hành công nghệ ETC cho 35 trạm. Ghi nhận của chúng tôi, lỗi đọc thẻ phần nhiều là thẻ ePass của VDTC diễn ra nhiều ở khu vực Đông Nam bộ và TPHCM. 

Vận hành thu phí không dừng (ETC): Còn trục trặc, do đâu? ảnh 1Cách thức vận hành thu phí không dừng. Nguồn: VDTC

Do thẻ hư, kém chất lượng... 

Đến nay, Bộ GTVT mới chỉ cấp phép triển khai thu phí ETC cho 2 đơn vị là Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC). Thẻ ETC của VETC phát hành là e-Tag, còn thẻ của VDTC (Viettel cung cấp) là ePass. Các nhà đầu tư BOT có thể trực tiếp đầu tư hệ thống hạ tầng (camera, thiết bị thu nhận tín hiệu, đường truyền, giá long môn, barie tự động…), nhưng việc xử lý thông tin, đối soát, lệnh thu phí đều diễn ra trên nền tảng công nghệ của VETC hoặc VDTC.

Thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ ETC, thẻ dán hiện được nhập khẩu từ nhiều hãng lớn trên thế giới như SSI (sản xuất tại Thái Lan), Neology (Mỹ), đáp ứng tiêu chuẩn Bộ GTVT đưa ra. Đề cập về khả năng lỗi do chất lượng thẻ, Bộ GTVT cho biết, chưa có báo cáo về vấn đề này. Trong khi đó, Giám đốc IDICO Lê Quốc Đạt khẳng định, lỗi chủ yếu do thẻ dán bị hư, chất lượng kém, thẻ bị bẩn...

Hiện nay, các vị trí dán thẻ thường xuyên bị lỗi rất nhiều. Về việc liệu có xảy ra lỗi ở máy đọc thẻ hay không, ông Đạt cho rằng, không phải do lỗi ở máy đọc vì nếu máy đọc hư thì sẽ bị cả hệ thống. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) - chủ đầu tư Trạm thu phí xa lộ Hà Nội, cũng nhận định, việc lỗi đọc thẻ chủ yếu xuất phát từ yếu tố thẻ dán. Nhiều trường hợp chủ xe tự dán không đúng kỹ thuật, hoặc nhân viên dán không được tập huấn kỹ. 

Phó Tổng Giám đốc VETC Hồ Trọng Vinh cho rằng, trong thời gian ngắn áp dụng ETC, VETC đã dán hơn 1 triệu xe; đồng thời nhân viên không đủ nên có thể xảy ra lỗi dán sai. Ngoài ra, cũng có tình trạng tài xế bóc thẻ để dán xe khác gây hư hỏng mạch điện tử trên thẻ.

* Giá dán thẻ ETC 120.000 đồng do “cõng” nhiều chi phí

Đại diện VDTC cho biết, theo Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, chủ phương tiện phải chi trả khoản phí dán thẻ cho nhà cung cấp dịch vụ ETC. Mức giá được căn cứ trên hợp đồng đã ký kết với Bộ GTVT. Số tiền thu từ việc dán thẻ ePass được dùng để chi trả cho nhiều khoản như chi phí mua, nhập khẩu thẻ, chi phí vận chuyển, máy đọc thẻ, nhân công dán thẻ, nhân sự chăm sóc khách hàng và truyền thông. Doanh thu từ việc dán thẻ ngoài việc chi trả các chi phí, còn lại được cập nhật vào phương án tài chính của dự án theo quy định.

Nhiều tài xế cho rằng, giải thích của VDTC là chưa hợp lý. Bởi, người dân chỉ chịu chi phí gồm giá nhập khẩu, công dán thẻ; còn các chi phí khác, nhà cung cấp phải chịu, không thể bắt người dân phải san sẻ gánh nặng tài chính này.

* Ông CAO ĐÌNH NGÂN, Trưởng phòng Kinh doanh VDTC: Hỗ trợ khách hàng dán lại thẻ

VDTC đang yêu cầu các nhân viên xác định chính xác nguyên nhân các trường hợp lỗi đọc thẻ để khắc phục, trong đó có hỗ trợ khách hàng dán lại thẻ vào vị trí tối ưu. Công ty cũng thực hiện quy trình giám sát, hiệu chỉnh thường xuyên đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, nâng cao năng lực của nhân viên kỹ thuật hỗ trợ khách hàng.

* Ông UÔNG VIỆT DŨNG, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT: Xử phạt nhà cung cấp dịch vụ nếu làm tổn hại đến khách hàng

Bộ GTVT đề nghị các địa phương cần làm việc với nhà cung cấp dịch vụ để làm rõ nguyên nhân sự cố và khắc phục kịp thời. Về phía Bộ GTVT, bộ đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát chất lượng kỹ thuật đối với các nhà cung cấp dịch vụ, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ chủ động phối hợp với các chủ đầu tư và các bên liên quan khắc phục ngay các lỗi chủ quan. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường nhân lực hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong giai đoạn đầu khai thác hệ thống ETC.

Bộ GTVT sẽ xem xét chế tài các vi phạm cụ thể của các bên. Nếu nhà cung cấp dịch vụ làm tổn hại đến khách hàng sẽ bị xử lý theo quy định.

 

Chưa thể áp dụng hình thức trả sau


Hiện nay, nước ta chưa thực hiện được hình thức thanh toán trả sau bởi các vướng mắc về quy trình thanh toán giữa nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và ngân hàng. Cụ thể, nếu chuyển sang trả sau, thông thường chu kỳ mất 30 ngày mới thanh toán. Việc chậm chu kỳ thanh toán sẽ dẫn đến phải đàm phán lại tất cả các hợp đồng cung cấp tín dụng cho dự án. Trường hợp chủ phương tiện trả tiền sau, thậm chí chây ỳ, sẽ ảnh hưởng việc thu hồi vốn của nhà đầu tư và ngân hàng. 

Vận hành thu phí không dừng (ETC): Còn trục trặc, do đâu? ảnh 2Thẻ ETC trên xe bị hỏng do bong tróc nên không qua được trạm thu phí tự động, nhân viên VETC hướng dẫn khách làm thủ tục dán lại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo lộ trình, trong giai đoạn 1, các trạm thu phí vẫn còn xài thanh chắn (barie) và barie sẽ mở cho xe đi qua khi xe đã dán thẻ và có đủ tiền trong tài khoản thu phí. Đến giai đoạn 2 (dự kiến từ 2024-2025), tại các trạm sẽ không còn barie mà chỉ duy trì các dải phân cách các làn và không còn cabin thu phí. Phó Tổng Giám đốc VETC Hồ Trọng Vinh cho rằng, nếu bỏ barie, nhiều xe hết tiền hoặc chưa dán vẫn chạy qua mà đơn vị sẽ không có chế tài thu hồi nợ. Do đó, các cơ quan nhà nước cần sớm xây dựng hành lang pháp lý, quy định rõ các biện pháp chế tài các vi phạm. Bên cạnh đó, số lượng thẻ phải hơn 95% mới bỏ thanh barie.

* Theo trang ITS International, có hơn 100 quốc gia khắp thế giới đang ứng dụng ETC với công nghệ gồm DSRC (Giao tiếp tầm gần chuyên dụng), RFID (Nhận dạng tần số vô tuyến điện), ANPR (Tự động nhận dạng biển số), GNSS (Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu). Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng, tuy nhiên RFID được sử dụng phổ biến nhất do có chi phí rẻ, giá từ 0,1-20 USD, tùy nhu cầu. Nhược điểm là công nghệ này có khả năng bảo mật không cao. Hiện Ấn Độ và một số nước đã tích hợp thẻ RFID lên biển số xe thay vì thẻ dán để tránh phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng.


Các tin khác