Văn hóa phong bì làm biến tướng ý nghĩa của sự tri ân

(ĐTTCO) - Từ khi xã hội vận hành theo cơ chế thị trường, cộng đồng miễn cưỡng chấp nhận thêm khái niệm mới là “văn hóa phong bì”, như một cách bày tỏ sự xa gần trong quan hệ, hiện vật được thay bằng hiện kim. 
Văn hóa phong bì làm biến tướng ý nghĩa của sự tri ân

Thế nhưng, khi theo dõi đại án “chuyến bay giải cứu”, bỗng dưng thấy “văn hóa phong bì” đã biến tướng quái dị giữa giới hạn mong manh của sự tri ân và sự đút lót.

Bị cáo Lê Hồng Sơn bị truy tố tội danh “đưa hối lộ” và bị VKS đề nghị mức án 11-12 năm tù. Theo cáo trạng, bị cáo Lê Hồng Sơn cùng vợ là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng đã đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng, trong đó khoảng 36 tỷ đồng dùng để chạy án, khiến cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội bị khởi tố tội danh “môi giới hối lộ” và cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra Hoàng Văn Hưng bị khởi tố tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước hội đồng xét xử, bị cáo Lê Hồng Sơn thưa: “Qua vụ án này bị cáo nghĩ rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hóa phong bì”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Sơn cũng đưa ra phân tích rằng lời khai của nhiều cá nhân khác nhau ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, đã cho thấy một số cán bộ nhà nước gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền mới tạo điều kiện cấp phép. Nếu doanh nghiệp không đưa tiền, chắc chắn họ sẽ bị thiệt hại rất lớn. Nghĩa là “văn hóa phong bì” đã trở thành thứ phản văn hóa và phản đạo lý.

Không chỉ bị cáo Lê Hồng Sơn, nhiều doanh nghiệp khác bị khởi tố tội danh “đưa hối lộ” trong đại án “chuyến bay giải cứu” đều trình bày giai đoạn ban đầu xin cấp phép thực hiện chuyến bay nhưng không chịu kèm theo “phong bì” đều không có kết quả, thậm chí rơi vào hoàn cảnh “khó khăn cùng cực”.

Vì vậy, doanh nghiệp chỉ có một trong hai lựa chọn, hoặc trực tiếp “cảm ơn” hoặc đứng ngoài cuộc. Thí dụ, bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An), khai sau 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó đánh trượt hồ sơ, đến lần thứ 9 đơn vị mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên nhờ cái “phong bì” 600 triệu đồng cho Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt), sau nhiều lần thất vọng vì không được cấp phép chuyến bay, đã quyết định sử dụng “văn hóa phong bì” để cố gắng xin bằng được chuyến bay, bật khóc: “Đến giờ phút này, bị cáo khẳng định chính tất cả hành vi mập mờ… đã thúc đẩy bị cáo và đồng nghiệp phải đưa hối lộ”.

Tuy nhiên, nạn nhân của “văn hóa phong bì” cũng có nhiều dạng tỏ ra rất thơ ngây. Chẳng hạn, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G19), cho biết: “Bị cáo tham khảo một số công ty khác và được khuyên nên gửi quà cám ơn, nên bị cáo đưa. Đứng ở tòa, bị cáo nhận thức được hành vi của mình là đưa hối lộ.

Trước đó suy nghĩ của bị cáo là mọi người làm việc vất vả nên gửi quà cám ơn”. Xét cho sòng phẳng, sự nhận thức về “văn hóa phong bì” của các nạn nhân luôn được đánh thức bằng kỹ năng “làm việc vất vả” của những người có quyền lực.

Nhìn lại đời sống, “văn hóa phong bì” vốn là cách ứng xử linh hoạt của cộng đồng. Khi đi dự đám tiệc, rất khó để mua món quà gì phù hợp với chủ nhân, phải dùng cách đưa phong bì cho thuận tiện. Hay trong các hội nghị hoặc hội thảo, thay vì phải tổ chức bữa trưa cho khách mời những người tổ chức chủ động gửi phong bì để họ tự lo liệu.

Thế nhưng, “văn hóa phong bì” từ thái độ “chúc mừng”, “chung vui”, “chia buồn”, “bồi dưỡng” đã trượt dài sang “cám ơn” và nguy hiểm dần lên mức “biết điều”.

Chính sự lợi dụng lệch lạc “văn hóa phong bì” đã xóa nhòa ranh giới mong manh giữa “quà cám ơn” và “nhận hối lộ”. Khi một cá nhân dùng khả năng riêng tư để giúp đỡ người khác những việc đúng đắn, thứ họ có thể có được là “quà cám ơn”. Còn khi một cá nhân lợi dụng chức vụ được giao phó để tạo điều kiện cho người khác kiếm lợi khuất tất, thứ họ có thể có được là “nhận hối lộ”.

Hai phạm trù ấy rất mạch lạc và rất dễ hiểu, nhưng một số cán bộ tha hóa lại đột nhiên mất khả năng suy luận. Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng và bị VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù, đã phân bua khá buồn cười: “Tôi không làm trong quản lý kinh tế nên không phân biệt được ranh giới giữa hành vi dân sự nhận tiền cám ơn và hành vi phạm tội”.

Không ai cấm sự vận hành “văn hóa phong bì” giữa cán bộ và người dân, nếu dựa trên tinh thần tự nguyện và trong sáng. Người dân gửi phong bì cảm ơn cán bộ đã không quản nắng mưa để hỗ trợ họ là điều bình thường. Thế nhưng, cán bộ dùng mánh khóe để người dân phải đưa phong bì, hoặc hứa hẹn ưu tiên để người dân chịu đưa phong bì, đó là hành vi vụ lợi. “Văn hóa phong bì” hoàn toàn không có màu sắc của tham nhũng vặt, và “văn hóa phong bì” càng không thể phù phép kiểu tham nhũng trắng trợn.

Dù các thủ tục hành chính liên tục được cải thiện và đạo đức công vụ liên tục được cảnh tỉnh, nhưng "văn hóa phong bì" vẫn đang là căn bệnh trầm kha giữa cán bộ và người dân. “Văn hóa phong bì” tùy tiện mọi lúc mọi nơi đã biến quan hệ cán bộ và người dân sang kiểu đổi chác xin-cho hoặc mua-bán, mà vượt quá giới hạn sẽ thành tội hình sự “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Một khi “văn hóa phong bì” còn tồn tại như bình phong cho lối hành xử hạch sách, vòi vĩnh của cán bộ, sẽ không thể kiểm soát tệ nạn tham nhũng. "Văn hóa phong bì" chỉ thực sự có yếu tố văn hóa, khi mọi kiểu “chạy” việc làm, “chạy” dự án, “chạy” danh hiệu, “chạy” giải thưởng không xuất hiện giữa các giao dịch dân sự.

Nói cách khác, "văn hóa phong bì" không thể song hành thực trạng nhiễu nhương “không phong bì làm sao được việc” đang ăn sâu trong tâm trí của nhiều người.

Các tin khác