Quá trình hội nhập toàn cầu, việc hưởng ứng làn sóng văn hóa, lễ hội từ nước ngoài cũng là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên tiếp nhận và ứng biến như thế nào để phù hợp với bản sắc nội tại của chính mình mới là điều quan trọng.
Làn sóng tiếp biến văn hóa hay xa hơn là câu chuyện chiếm dụng văn hóa không phải ngẫu nhiên trở thành mối lo và đặt ra bài toán thách thức trong quá trình hội nhập cho mỗi quốc gia hiện nay. Gần nhất là việc hưởng ứng ngày Halloween một cách vô tội vạ. Người ủng hộ chỉ ra tính nhân văn của lễ hội, khẳng định sự trường tồn của giá trị tinh thần và đặc biệt là, sử dụng nghệ thuật giễu nhại, sự vui vẻ, hài hước để vượt qua sự sợ hãi trước thần chết và cái chết… Nhưng ở phía khác, nhiều ý kiến gay gắt phản đối lễ hội ma quỷ rùng rợn này.
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi áp dụng lễ hội nước ngoài vào nền văn hóa Việt Nam thì chúng ta nên hiểu được ý nghĩa của nó chứ không chỉ là áp dụng một cách hình thức. Các dân tộc đều có những lễ hội để tưởng nhớ những người đã mất, ở Việt Nam cũng có rằm tháng 7 Âm lịch.
Đây là cơ hội để chúng ta giáo dục cho giới trẻ hiểu về những điều mà có thể khó nói trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ về cái chết, về thế giới bên kia, về ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Thậm chí, đây cũng là cơ hội để nói về ngay trong con người chúng ta cũng có những phần thiện - phần ác và chúng ta sẽ phải đối xử với phần ác ra sao.
“Tôi phản đối việc sao chép thực hành lễ hội theo hình thức phản cảm và cần cân nhắc đối tượng sẽ tiếp nhận và chịu ảnh hưởng từ các hoạt động này, đặc biệt là trẻ em để lễ hội không biến thành sự ám ảnh, trào lưu phản cảm”, PGS-TS Trần Thành Nam nói.
Trong quá trình tiếp biến, các làn sóng, sản phẩm văn hóa từ bên ngoài chạm đến mọi ngóc ngách trong đời sống đương đại. Bộ phim “Quân đội Vương Bài” của Trung Quốc có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam hay “Băng vũ hỏa” cố tình làm mờ hình ảnh đường lưỡi bò để công chiếu rộng rãi… là hai ví dụ về những sản phẩm văn hóa du nhập từ bên ngoài, kèm theo những nguy cơ tiềm ẩn.
Một trong những điều nguy hiểm nhất, đó là việc dễ chấp nhận sự lệ thuộc, rồi dần dà nói theo, làm theo một cách vui vẻ, hạnh phúc. Đôi khi phía bị xâm lăng văn hóa tự an ủi rằng toàn cầu hóa mà, thế giới phẳng mà, nên sự giống nhau, chia sẻ những giá trị của nhau là bình thường.
Việt Nam là một thị trường mà Hàn Quốc ngắm đến từ sớm. Hai hệ thống rạp lớn nhất và chiếm ưu thế về thị phần tại Việt Nam hiện nay là CGV và Lotte Cinema đều của Hàn Quốc. Hàn Quốc có chiến lược rõ ràng, tổng thể và chi tiết về việc tiếp thị văn hóa, đầu tư văn hóa một cách mềm dẻo, linh hoạt, không lộ liễu, không đối đầu. Xem các phim làm lại (remake) để chiếu rạp, chiếu truyền hình, thì thấy gần như là sự rập khuôn Hàn Quốc, với tỷ lệ 1:1.
Loay hoay trong vòng xoay bản sắc
Câu chuyện về vị thầy hiệu trưởng khoác áo choàng, tay cầm thiền trượng trong lễ tổng kết của một trường đại học cũng khiến dư luận tranh cãi về sự lai căng, tính thuần Việt, hay đình đám hơn là cuộc thi sáng tạo thời trang với chủ đề trang phục dân tộc đã thu về những “tác phẩm” kỳ lạ được cho là lấy cảm hứng từ bánh tráng trộn, trà sữa, chiếu Cà Mau…
Thậm chí có nhà thiết kế còn “sáng tạo” không tưởng khi lấy cảm hứng từ… bàn thờ tổ tiên. Tất nhiên sáng tạo là phải có được những góc nhìn mới mẻ, là chấp nhận sự khác biệt nhưng ranh giới giữa khác biệt và phản cảm, lố lăng cũng vô cùng mong manh. Để sáng tạo, cách tân được kế thừa những thành tựu trước đó, cần có phông nền văn hóa vững chắc.
Sự trở lại của cổ phục Việt qua các dự án phỏng dựng của bạn trẻ, cho thấy một ý thức mạnh mẽ về những giá trị truyền thống của dân tộc trong cộng đồng đương thời. Niềm tự hào và nỗ lực phát huy giá trị truyền thống là điều đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn còn loay hoay khi ứng xử với những giá trị này. Hội nhóm cổ phục Việt không thiếu, nhưng câu hỏi đặt ra phỏng dựng hay phục dựng để rồi ứng dụng vào đâu?
Đầu tháng 8-2022, một vị đại sứ Việt Nam chọn trang phục áo dài, khăn xếp trong buổi lễ trình Quốc thư. Hai chiều ý kiến từ vấn đề này, bên ủng hộ và bên phản đối. Mọi tranh luận đều có lý lẽ riêng, nhưng một lần nữa để thấy, phỏng dựng hay phục dựng cổ phục quá nhiều chưa hẳn là tốt mà giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống thật sự tốt đẹp khi người ta hiểu và biết cách ứng xử, vận dụng nó một cách đầy đủ.
Hay nói về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đầu năm 2016, Ban Thư ký UNESCO có công văn đề nghị Việt Nam đổi tên di sản là “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. UNESCO vinh danh di sản này không ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng mà ở những thực hành liên quan đến di sản… Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được hiểu một cách trọn vẹn và đúng đắn khi hầu đồng có thể bắt gặp ở nhiều nơi, không ít người vẫn lầm tưởng hầu đồng được vinh danh di sản thế giới.
GS-TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết: “Thời gian qua, trào lưu sân khấu hóa, sự phát triển ồ ạt các cơ sở thờ tự và đội ngũ thanh đồng, hầu đồng dẫn đến việc “giải thiêng”, trần tục hóa nghi lễ. Việc di sản được quan tâm là đều đáng mừng, di sản phải tồn tại cùng đời sống người dân, nhưng việc hiểu chưa đúng dẫn đến những thực hành sai, khiến di sản xa lệch với giá trị nguyên bản. Và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có rất nhiều nghi lễ, nghi thức khác chứ không chỉ có hầu đồng”.
Di sản hay văn hóa truyền thống, muốn giữ gìn và phát huy đều phải gắn với cuộc sống người dân, bởi những giá trị tốt đẹp này cũng hình thành từ nhân dân qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, câu chuyện đường dài của bản sắc văn hóa chính là bài toán ngay trước mắt, cần hiểu đúng và đủ về văn hóa truyền thống, mỗi người, mỗi thế hệ sẽ có cách của riêng mình để tự tin nói lên tiếng nói thời đại của bản sắc Việt.
* PGS-TS NGUYỄN DUY BẮC,Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
|