Vẫn hút tiền gửi
Tuần qua, các NHTM nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,2-0,5%/năm lãi suất huy động đối với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 12 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến ở mức 1,5-2%/năm, kỳ hạn 1 tháng 5-6%/năm, 2 tháng 6,5%/năm, từ 3-11 tháng 7%/năm, từ 12 tháng trở lên 8-9%/năm.
Không quá lo lãi suất tiền gửi giảm người dân sẽ dịch chuyển vốn ra khỏi NH. Bởi các thị trường đầu cơ hiện nay vẫn rất bất ổn. Đầu tư vàng thời điểm này rất rủi ro khi giá vàng trong nước quá cao so với thế giới và giá vàng thế giới đang lao dốc. Ngoại tệ dù có biến động tỷ giá nhưng mức tăng không cao so với những năm trước đây nên nắm giữ ngoại tệ cũng không có lợi. TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội |
Ở các NHTMCP, lãi suất huy động phổ biến không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng 1,6-2%/năm, từ 1 tháng đến dưới 12 tháng 7,3-7,5%/năm, từ 12 tháng trở lên 9,5-11%/năm.
Tuy nhiên, dù điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi theo thị trường, nhưng một số NHTM đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại để giữ chân khách hàng, như triển khai nhiều sản phẩm tiền gửi linh hoạt thông qua kênh giao dịch NH trực tuyến, cho phép khách hàng chuyển kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài trên 12 tháng để hưởng lãi suất cao...
Tại điểm giao dịch của DongA Bank ở quận 1, TPHCM, ghi nhận của ĐTTC có không ít khách hàng đến tham khảo lãi suất và quyết định chuyển sang gửi tiền kỳ hạn dài trên 12 tháng để hưởng lãi suất cao nhất. Nhân viên NH cũng liên tục mời chào khách hàng tham gia tiết kiệm dự thưởng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cho biết dù đang thừa vốn nhưng NH không xao nhãng huy động, vẫn phân bổ chỉ tiêu huy động cho các kênh phân phối. "Trong khi các NHTM lơ là không chăm sóc khách hàng tiền gửi vì đang thừa vốn, đây là cơ hội để chúng tôi huy động, dù không hiệu quả lắm trong trước mắt, nhưng về dài hạn NH sẽ có được lượng khách hàng dân cư lớn" - ông Bình chia sẻ.
Ngoài ra, có một thực tế, hệ thống NHTM nhìn chung đang thừa vốn huy động nhưng tình trạng lách trần lãi suất tiền gửi vẫn diễn ra phổ biến. Theo một lãnh đạo NHTMCP, hiện nay nhiều NHTM yếu thanh khoản nhưng không thể vay vốn trên liên NH nên đã lách trần lãi suất để hút vốn tiền gửi.
Trong khi đó, các NHTM lớn dù thừa vốn nhưng do khó mở rộng mạng lưới nên áp lực huy động vẫn đè lên các chi nhánh, phòng giao dịch. Đặc biệt các địa bàn có nhiều NHTM mở điểm giao dịch, áp lực cạnh tranh càng cao. Nhiều chi nhánh NHTM lớn vẫn phá rào lãi suất bằng cách chi tiền mặt và hạch toán vào chi phí tiếp khách, nhưng chỉ lách với khách hàng thân quen, mối ruột của mình" - vị lãnh đạo NHTM này tiết lộ.
Có dịch chuyển sang USD?
Tuần qua, trong khi giá vàng giảm liên tục hoặc đứng yên, giá USD lại có xu hướng gia tăng và các NHTM có xu hướng niêm yết giá USD sát mức trần cho phép. Cụ thể, cuối tuần qua tỷ giá liên NH do NHNN công bố ở mức 20.828 đồng/USD, tỷ giá trần áp dụng cho các NHTM 20.950 đồng/USD.
Tại Vietcombank, tỷ giá giao dịch USD ở mức 20.930-21.000 đồng/USD (mua vào - bán ra). Còn tại một số NHTM khác, tỷ giá giao dịch USD tăng mạnh lên mức 21.036 đồng/USD. Theo đó, giá mua bán USD tại ACB, Techcombank ở mức 20.930-21.036 đồng/USD, tăng 36 đồng/USD ở chiều bán ra so với ngày trước đó. Trên thị trường tự do, giá USD cũng giao dịch quanh mức 21.300-21.400 đồng/USD.
Nhiều ý kiến lo ngại USD tăng trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đang giảm sẽ khiến người dân có tâm lý chuyển sang đầu cơ cất trữ ngoại tệ.
 |
Khách hàng giao dịch tại DongA Bank. Ảnh: LONG THANH |
Theo một trưởng phòng ngoại hối NHTMCP, USD tăng thời điểm này là hợp lý, bởi trên thị trường thế giới giá USD đang tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ phát tín hiệu giảm dần và có thể ngừng chương trình nới lỏng tiền tệ vào mùa hè này.
Thị trường trong nước dù NHNN cam kết sẽ ổn định tỷ lệ với mức tăng trong khoảng 2-3%/năm, nhưng hiện nay đã gần đến tháng 6, nếu tăng 2-3%, tỷ giá cũng đã nằm trong khoảng 21.500-21.600 đồng/USD. Do vậy, mức điều chỉnh tăng tỷ giá vừa qua là phù hợp. Hơn nữa, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới gần 6 triệu đồng/lượng, các nhà đầu tư sẽ ngại đầu tư vàng, mà sẽ nắm giữ ngoại tệ trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đang giảm.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Eximbank, nhiều NHTM trước đây tận dụng tỷ giá ổn định bán ngoại tệ huy động âm trạng thái để lấy tiền đồng cho vay hưởng chênh lệch lãi suất cao. Nay đến kỳ phải mua lại ngoại tệ nên tạo lực cầu cho thị trường. Nhưng tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không gây áp lực quá lớn lên tỷ giá, bởi thực tế thanh khoản ngoại tệ của hệ thống NHTM vẫn rất tốt.
Theo các chuyên gia, những tín hiệu kinh tế vĩ mô gần đây chưa gây áp lực lên tỷ giá, khi nhu cầu nhập khẩu trong nước vẫn yếu và dự trữ ngoại hối quốc gia ở nước ta hiện nay rất lớn. Trong khi bất động sản vẫn đóng băng, chứng khoán chưa khởi sắc, gửi tiền NH dù lãi suất có thấp hơn nhưng an toàn.
Vấn đề hiện nay là cần tạo ra những chính sách kinh tế ổn định để người dân an tâm tin tưởng thấy được triển vọng phát triển của nền kinh tế thì mới bung vốn ra để làm ăn sản xuất kinh doanh.