Vẫn khó giảm lãi suất huy động

(ĐTTCO) - Sau đợt giảm lãi suất cho vay hồi tháng 7, Chính phủ tiếp tục giao NHNN tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.
Vẫn khó giảm lãi suất huy động

 Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều áp lực huy động vốn cục bộ tại một số NH, cùng với xu hướng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để cải thiện lợi nhuận của các NH và mục tiêu tăng tín dụng cao, áp lực tăng lãi suất huy động vẫn có thể quay lại.

Diễn biến theo cung cầu

Trong báo cáo gần đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định những tháng cuối năm 2017 việc giảm lãi suất có nhiều yếu tố hỗ trợ từ trong nước và quốc tế. Một là áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn. Đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất trong năm nay hiện xuống dưới 50%. Hai là lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4%).
Ba là việc phát hành trái phiếu chính phủ 5 tháng cuối năm chỉ còn khoảng 25% kế hoạch, lợi suất các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2-0,3 điểm % so với thời điểm cuối tháng 6, thấp hơn khoảng 1 điểm % so với cùng kỳ năm 2016 ở các kỳ hạn, tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực NH. 

 Trong bối cảnh nhiều áp lực đối với lãi suất hiện nay, nếu NHNN muốn thực hiện yêu cầu giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN cần phải hạ lãi suất điều hành thêm khoảng 0,5% nữa và tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VNĐ ở mức hợp lý để đảm bảo có lợi cho VNĐ.
Cuối cùng, động thái từ nhà điều hành đang hỗ trợ lớn cho việc giảm lãi suất. Trong tháng 7, NHNN đã hạ lãi suất điều hành. Cùng với đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn cũng đã được NHNN điều chỉnh giảm đối với lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi hơn khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ngày 19-7-2017.

Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định trên bình diện chung, còn tại các NH hiện nay lãi suất huy động đang có xu hướng diễn biến theo cung cầu, có tính thị trường hơn. Chẳng hạn Eximbank giảm lãi suất ngắn hạn kỳ hạn 1 tháng từ 4,8%/năm xuống còn 4,6%/năm từ ngày 17-8, kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 6,2%/năm nhưng các kỳ hạn dài từ 24 tháng trở lên áp dụng lãi suất 8%/năm.
HDBank trong tháng 7 đã tăng lãi suất huy động tiền gửi từ 0,3-0,5% với kỳ hạn 1-5 tháng lên 5,5%/năm, nhưng kỳ hạn 13 tháng giảm 0,2% xuống 7,2%/năm, kỳ hạn 15 tháng giảm 0,05% xuống 7,4%/năm. 

Biểu lãi suất mới của Techcombank đã giảm từ 0,1-0,3% tùy từng kỳ hạn, và lãi suất huy động cao nhất của NH này chỉ ở mức 6,7%/năm. Còn tại Sacombank, lãi suất kỳ hạn 13 tháng vừa tăng thêm 0,05% lên 7,6%/năm.
Trong khi đó, những NH có quy mô vừa và nhỏ có độ rủi ro cao hơn vẫn đang trả mức lãi suất khá cao để hút tiền gửi. Có thể thấy, lãi suất huy động hoạt động dưới sự kiểm soát của NHNN nhưng vẫn đang được điều hành tùy theo bài toán kinh doanh của từng NH và diễn biến tăng giảm cũng cơ cấu nguồn vốn của từng NH. 

Cần thêm yếu tố hỗ trợ

Theo các chuyên gia, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của hệ thống NH liên tục giảm trong thời gian qua, từ 3,07% năm 2013 xuống 2,69% năm 2016. Còn các NH cho biết hệ số NIM trung bình chỉ còn khoảng 2-2,2%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ yêu cầu ngành NH phải giảm lãi suất cho vay. Điều này dẫn đến suy đoán các NH sẽ phải giảm lãi suất huy động để cải thiện hệ số NIM.
Tuy nhiên hiện nay, các NH đều đang chuyển hướng NH bán lẻ, tập trung cho vay mảng lợi suất cao là tín dụng tiêu dùng. Trong báo cáo công bố vào tháng 7-2017, NHNN cho biết 5 tháng đầu năm 2017 tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 7,01%, chiếm tỷ trọng 15,17% tổng dư nợ tín dụng. 

6 tháng đầu năm, cho vay khách hàng cá nhân của MB tăng 16% so với đầu năm và chiếm 30,3% tổng dư nợ tính đến cuối quý II-2017, nhờ cho vay từ khách hàng cá nhân tăng mạnh nên dù chi phí hoạt động tăng, lợi nhuận của MB vẫn tăng trưởng 35,6% so với cùng kỳ. VIB tăng trưởng tín dụng 15% trong 6 tháng đầu năm, trong đó chủ yếu là cho vay khách hàng cá nhân (tăng 31,6% so với đầu năm).
Tại Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân 6 tháng tăng khoảng 19% so với đầu năm 2017, tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân đạt mức 27%. Với kết quả đó, hệ số NIM của Vietcombank được dự đoán đã cải thiện lên mức 2,78%. Khi xu hướng cho vay tiêu dùng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ, khả năng các NH hạ lãi suất huy động để cải thiện NIM không lớn.

Nhìn lại quý I-2017, một số NH đã tăng mạnh lãi suất huy động lên đến 0,5% so với cuối năm 2016 trong bối cảnh thanh khoản của toàn hệ thống kém dồi dào do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động.
Tại thời điểm cuối tháng 6, mặt bằng lãi suất huy động cũng được nhận định có xu hướng tăng nhẹ khi lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống tăng khoảng 0,03 điểm % đối với kỳ hạn trên 12 tháng, nhưng ổn định ở các kỳ hạn ngắn do nhu cầu tăng huy động kỳ hạn dài của các NH vẫn tiếp tục ở mức cao. 

Cho đến thời điểm này, nhiều NH vẫn duy trì lãi suất huy động kỳ hạn dài ở mức 8%/năm, kèm theo nhiều chương trình khuyến mại để hút vốn. Và hiện nay đang bước vào những tháng cuối năm, theo đó áp lực đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ 1-1-2018 đang lớn dần. Đồng thời, lãi suất huy động tiếp tục chịu áp lực từ yêu cầu tăng trưởng tín dụng từ 21-22% làm gia tăng thêm nhu cầu thanh khoản của hệ thống NH.
Ngoài ra, trong các tháng tới vốn đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân sẽ tác động không nhỏ đến nguồn vốn của các NHTM và lãi suất trên thị trường liên NH. Đây là những yếu tố có thể tác động đến lãi suất huy động trong những tháng cuối năm. 

Các tin khác