Vấn nạn quy hoạch lạc hậu

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp mới đây bàn về quy hoạch, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 và những năm tiếp theo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010. 
Vấn nạn quy hoạch lạc hậu
Tuy nhiên, vào thời điểm lập quy hoạch này (năm 2006) TP chưa có đề án xây dựng đô thị thông minh, chưa có đô thị sáng tạo phía Đông, chưa có tính toán không gian ngầm… Quy hoạch chung cũng không lường hết được diễn biến biến đổi khí hậu, như tình trạng lún mặt đất và sự dâng lên của mực nước biển. Chính vì thế đến nay quy hoạch này đã quá lỗi thời, cần phải điều chỉnh lại.
Thực tế, vấn đề yếu kém trong quản lý quy hoạch tại TPHCM đã được chỉ ra từ lâu. Đó là quy hoạch thiếu tầm nhìn, hoặc tầm nhìn ngắn, xuất phát từ quy hoạch ban đầu lệch thực tế. Theo đó, các nhà quy hoạch cứ căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ngay thời điểm hiện tại mà làm, không tính đến lúc tình hình kinh tế khó khăn.
Điều này dẫn tới việc đánh giá hiện trạng trở nên lỗi thời, tính dự báo chưa phù hợp. Trong quá trình khảo sát, các dữ liệu đầu vào chưa đầy đủ, nhiều thông tin cần thiết khó tiếp cận do quy hoạch động tới nhiều vấn đề nhạy cảm, vấn đề kinh tế - xã hội. Các dự báo thiếu tính chính xác, chưa lường hết được tốc độ phát triển dân số, tốc độ phát triển kinh tế, sự tăng nhanh của quá trình đô thị hóa, các chính sách liên tục thay đổi.
Thí dụ, một trong những nguyên nhân gây ngập hiện nay là do việc triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu. Theo quy hoạch tổng thể thoát nước mưa đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, TP cần đầu tư, nâng cấp mới khoảng 6.000km cống các loại.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay mới chỉ đầu tư được trên 2.500km, đạt khoảng 43%. Quy hoạch cũng xác định xây dựng 140 hồ điều tiết hỗ trợ thoát nước nhưng chưa có hồ nào hoàn thành. Việc nạo vét kênh rạch cũng chỉ đạt được 1% so với kế hoạch đặt ra.
Tương tự, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP xác định triển khai trên địa bàn 10 cống kiểm soát triều, đến nay chỉ mới đưa vào vận hành cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các cống còn lại đang triển khai dở dang. Đối với giao thông cũng vậy, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài 229,1km, bao gồm 8 tuyến tàu điện ngầm xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính… đến nay mới có 1 tuyến metro đang xây dựng và rơi vào tình trạng loay hoay về vốn.
Bên cạnh đó, công tác dự báo góp phần quan trọng vào việc lập quy hoạch chính xác. Ai cũng biết vấn đề dân số là nền tảng của đất nước, tất cả việc hoạch định chiến lược, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội… đều dựa trên cơ sở này. Nếu dự báo được dài hơi về dân số, chúng ta sẽ có ứng xử tốt với đô thị, tầm nhìn cho hàng trăm năm sau. Tuy nhiên quy hoạch vùng TPHCM đã lạc hậu ngay từ khi công bố, vì không theo kịp sự phát triển quá nhanh với nhiều biến đổi phức tạp như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường…
Theo quy mô dân số của quy hoạch phê duyệt năm 2010, đến năm 2025 TP có khoảng 10 triệu người, vãng lai và tạm trú 2,5 triệu người. Tuy nhiên, chỉ tính riêng dân số chính thức năm 2017 đã xấp xỉ 14 triệu người, tức bằng dự báo của 10 năm tới. Một số quận huyện, dân số cũng đi trước dự báo như, quận Bình Thạnh đạt 560.000 người, trong khi quy hoạch con số này phải đến năm 2020. Quận 12 dân số đã lên đến 500.000 người, trong khi chỉ tiêu này là của năm 2020.
Điều tương tự cũng xảy ra tại các quận - huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Bình Chánh, Thủ Đức, quận 7… 
Chính vì dự báo không đúng đã dẫn đến việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội TP không được đầu tư tương xứng. Đó là việc đến nay TP vẫn chưa có quy hoạch giao thông theo đúng nghĩa của nó: dự báo lưu lượng giao thông, từ đó đưa ra quy mô hệ thống giao thông phù hợp. Tình hình giao thông đô thị hiện nay ở TPHCM đã đến mức báo động. Đáng lẽ tất yếu này phải được các nhà quy hoạch tiến hành những thống kê cần thiết để dựa trên đó làm quy hoạch giao thông, dự báo từ xa trong những công trình quy hoạch tổng mặt bằng đô thị nhiều năm trước đây.
Nếu làm được như vậy sẽ khai thác được năng lực của hệ thống giao thông công cộng bằng những loại hình hiện đại, phải chuẩn bị từ nhiều năm trước. Việc thoát nước lẽ ra cần dự báo từ lâu bằng những công trình khoa học, nghiêm túc để đề xuất về những biện pháp hiệu quả.
Những hạn chế này dẫn đến việc các bản quy hoạch thường xa rời thực tế, mang nặng tính hình thức, do đó luôn phải thay đổi và không giúp giải quyết các vấn nạn đô thị hiện tại. Để thực hiện hiệu quả chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, TP đang xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể 115 đồ án quy hoạch; điều chỉnh cục bộ 402 khu vực quy hoạch, tuyến đường giao thông thuộc 573 đồ án.
Song vấn đề là quy hoạch mà vẫn mạnh ai nấy làm, thiếu người điều hành chung, dẫn đến không đồng bộ, không có tầm nhìn dài hạn, liên tục phải điều chỉnh, và như vậy sẽ luôn lỗi thời.

Các tin khác