Người dân vẫn chen chúc chờ đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu góc đường Võ Thị Sáu - Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) sau khi liên bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giá xăng dầu chiều 11-10. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo điều chỉnh, giá xăng E5RON92 tăng thêm 560 đồng/lít, lên 21.292 đồng/lít; xăng RON95 tăng thêm 564 đồng/lít, lên 22.007 đồng/lít. Riêng dầu diesel và dầu hỏa tăng mạnh, tương ứng 1.979 đồng/lít và 1.132 đồng/lít. Dầu mazut vẫn ổn định giá cũ. Cùng với đó, liên bộ đã quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu và xả quỹ ở mức 200 đồng/lít đối với mặt hàng dầu diesel.
Sau điều chỉnh giá xăng dầu, tại nhiều cửa hàng xăng dầu ở TPHCM, xe máy vẫn chen chúc chờ đổ xăng. Cửa hàng xăng dầu Comeco (đường Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp) dù có 6 trụ bơm xăng dầu nhưng chỉ có 1 vòi có xăng. “Mấy hôm trước mỗi ngày chúng tôi chỉ nhận được 3.000 lít, 2 ngày nay xe bồn vào được ban ngày nên được 6.000 lít. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày khu vực này nhu cầu khoảng 15.000 lít nên phục vụ không đủ”, anh N.V.T, phụ trách kinh doanh cho biết.
Người dân vẫn chen chúc chờ đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu trên đường Điện Biên Phủ (TPHCM) sau khi giá xăng điều chỉnh chiều 11-10. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tương tự, tại cửa hàng xăng dầu Tanimex (góc ngã tư Tây Thạnh và CN 1 Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú) khách khá đông nhưng “dễ thở” hơn mấy ngày trước. “Mấy hôm nay chiều nào đi làm về tôi cũng ghé nhưng đông quá nên về. Hôm nay thấy khách vắng nên tôi đợi 5 phút để đổ đầy bình”, anh Trần Văn Dũng (quê Tiền Giang) nói.
Tối 11-10, ghi nhận của PV Báo SGGP tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, sau khi giá xăng tăng, nhiều cây xăng tiếp tục ngừng bán hoặc bán nhỏ giọt từ 30.000 - 50.000 đồng/xe máy. Cụ thể, cây xăng Vườn Mít nằm ngay trung tâm TP Biên Hòa, khu vực giao nhau giữa 2 tuyến đường Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Thuận (thuộc khu phố 3, phường Tân Tiến) “án binh bất động”, chủ cây xăng vẫn treo biển thông báo “tạm ngưng chờ nhập hàng; Trạm xăng số 5 nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc treo biển hết xăng, kéo rào, ngừng bán xăng. Tình trạng ngừng bán xảy ra tại nhiều cây xăng ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành.
Một số cây xăng lớn khác như Trạm xăng Cầu Mới thuộc Tổng Công ty xăng dầu Tín Nghĩa ngừng bán trong buổi sáng và đến chiều nay mở bán trở lại nhưng chỉ bán “nhỏ giọt” 30.000 đồng với mỗi chiếc xe máy; Công ty Xăng dầu số 1 thuộc Công ty TNHH Phương Du nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Trung Dũng) mở bán trở lại nhưng chỉ bán 50.000 đồng/xe máy.
Tại Bình Phước, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, qua kiểm tra thực tế, đến 15 giờ 30 ngày 11-10 có 41 trạm hết cả xăng và dầu; 38 trạm hết xăng còn dầu và 5 trạm hết dầu, còn xăng. Những ngày qua Cục QLTT tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của tất cả 392 cơ sở trong tỉnh và chưa phát hiện trạm xăng dầu nào có dấu hiệu găm hàng. Trong khi đó, theo Sở Công thương tỉnh Bình Dương, đã có khoảng 173/477 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn nghỉ bán với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, từ trưa đến đầu giờ chiều 11-10, tình trạng quá tải, chen chúc xếp hàng để chờ đổ xăng dầu cũng đã xảy ra. Dù không khan hiếm nhưng một số cây xăng ở khu vực đường Láng Hạ, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… vẫn đóng cửa hoặc chỉ bán nhỏ giọt với động thái chờ điều chỉnh giá mới. Nhiều người dân lo ngại giá xăng dầu tăng cao đã tập trung khá đông tranh thủ đổ xăng.
UBND TPHCM chỉ đạo khẩn liên quan tình hình xăng dầu Ngày 11-10, theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, trên địa bàn TP có 137 cửa hàng không còn xăng. Trước tình hình đó, chiều cùng ngày, UBND TPHCM đã có chỉ đạo khẩn. Cụ thể, trong công văn gửi Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường, UBND TPHCM yêu cầu phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. UBND TPHCM đề nghị Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Đồng thời, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND TP yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. UBND TPHCM giao Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP khi có tình huống phát sinh. |