Vẫn phải “giật gấu vá vai”

Theo ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, vài năm qua các DN ngành thủ công mỹ nghệ rất khó khăn, DN ông còn tồn tại được là nhờ có thêm một số hoạt động thương mại để bù qua đắp lại.

Theo ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, vài năm qua các DN ngành thủ công mỹ nghệ rất khó khăn, DN ông còn tồn tại được là nhờ có thêm một số hoạt động thương mại để bù qua đắp lại.

PHÓNG VIÊN: - Kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD của ngành thủ công mỹ nghệ trong năm 2013 là con số tương đối. Nhưng Kim Bôi dường như vẫn rất khó khăn?

Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG: - Trước hết, nói về con số 1,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tôi cho rằng nếu chỉ thuần túy thủ công mỹ nghệ thì chỉ khoảng dưới 1 tỷ USD. Có thể phía hiệp hội tính thêm cả một số mặt hàng khác. Có một số mặt hàng xuất khẩu cũng khá nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao, thậm chí còn giảm.

Riêng chúng tôi, không chỉ năm nay mà đã mấy năm rồi chúng tôi gặp khó khăn. Khó khăn không phải do không có đơn đặt hàng, mà do chúng tôi không thể làm theo giá của khách hàng yêu cầu. Trong khi các nguyên liệu đầu vào có mức tăng từ 15-20%, giá bán ra nếu có tăng cũng chỉ 5-10%. Chẳng hạn cuối năm ngoái chúng tôi đã tìm được một đối tác Nhật Bản.

Qua năm nay khi làm việc lại họ yêu cầu phải giảm giá 15% so với báo giá năm ngoái. Không chỉ riêng Kim Bôi, một số đơn vị khác cũng đang phải chuyển hướng, như Hợp tác xã Trường Sơn, nay trong tổng doanh số của họ, thủ công mỹ nghệ chỉ chiếm khoảng 20%, còn 80% từ cà phê, chè…

- Đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra những mẫu mã mới đang là hướng đi của không ít DN, song Kim Bôi vẫn quẩn quanh với dừa đã mấy chục năm?

- Trước hết, nói về vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, hiện nay tôi đang tính đến việc tìm kiếm đến một số nguồn nguyên liệu khác như lục bình chẳng hạn. Còn thiết kế cần phải mổ xẻ mấy vấn đề. Thứ nhất, khi đưa ra một mẫu mã hoàn toàn mới, công tác tiếp thị hết sức khó khăn, đặc biệt trong lúc DN không mấy dư giả như hiện nay.

Thứ hai, cũng nên hiểu rộng ra thiết kế ở đây còn là thiết kế những công nghệ làm sao giúp tiết kiệm chi phí, có như vậy sản phẩm mới có thể cạnh tranh khi xuất khẩu. Như chúng tôi cũng phải không ngừng sáng tạo và sáng tạo một cách khéo léo.

Thí dụ khi thấy có đơn vị nước ngoài làm con cú mèo bằng cây đay, chúng tôi thay bằng nguyên liệu trái dừa đồng thời thêm vào 1 số chi tiết và được nhà nhập khẩu khá thích thú. Ý tôi muốn nói là mình có thể mượn một hình ảnh đã quen và sáng tạo theo chất liệu, cách thức của mình. 

Nhưng cũng phải nói ngành của chúng tôi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như nguyên liệu mà tôi đang sử dụng hiện nay là sơ dừa, trái dừa khô…

Bình thường, giá nguyên liệu không nhiều biến động nhưng khi thương lái Trung Quốc thu mua giá biến động rất mạnh, tăng đến mấy chục %, những lúc đó nếu đơn hàng ký rồi cũng chết, mà chưa ký cũng khó vì báo giá cao không ai ký cả. Cũng có lúc tôi đã phải trữ nguyên liệu khi giá liên tục tăng, nhưng khi mới mua trữ được 1 thời gian ngắn thì giá lại tuột dốc không phanh.

Rồi thêm vấn đề công nhân. Thông thường các DN trong ngành, ngoài công nhân của DN thì sẽ có những cơ sở vệ tinh. Những cơ sở này chủ yếu tập trung nông dân nhàn rỗi. Và rủi ro nếu DN không hướng dẫn kỹ lưỡng, sản phẩm sẽ có chất lượng thiếu đồng nhất. Ngành này, theo đánh giá của tôi, nếu chỉ thuần về sản xuất sẽ ít có lợi, lợi nhuận chủ yếu là những đơn vị làm thương mại.

Kim Bôi gặp khó khăn trong đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra mẫu mã mới.

Kim Bôi gặp khó khăn trong đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra mẫu mã mới.

- Bên cạnh việc tự bù qua đắp lại, các DN trong ngành có lẽ cũng nên có những chiến lược để tồn tại và phát triển?

- Thực lòng mà nói chúng tôi cũng may mắn có được một số hoạt động thương mại để có thể bù đắp cho hoạt động kinh doanh ngành nghề chính. Với quan niệm cá nhân, tôi cho rằng các DN phải liên kết lại hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất và cả đơn hàng.

Hiện nay chúng tôi cũng có một nhóm DN đang thực hiện việc này, nhưng nó cũng chưa mang tính toàn diện. Còn trong thời điểm hiện nay, bên cạnh những nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới, tôi cũng như một vài DN đang tính đến chuyện nhắm đến thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là trung gian xuất đi, họ có những đơn hàng rất lớn.

Quay trở lại câu chuyện liên kết các DN trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại. Trước đây có đưa ra ý tưởng thành lập trung tâm trưng bày, quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ. Tôi chia sẻ nó với nhiều DN và lên một phương án khá cụ thể, nhưng kế hoạch ấy bị phá sản do chi phí đầu tư hơi lớn.

Dù vậy, tôi quyết không bỏ cuộc, hiện nay tôi đang nhờ tỉnh Trà Vinh hỗ trợ để đầu tư trung tâm trao đổi, giới thiệu sản phẩm Trà Vinh.

Tôi hy vọng những nỗ lực không ngừng của mình cũng như nhiều DN khác cũng như sự hỗ trợ của tỉnh Trà Vinh dự án này sẽ thành công. Với xuất xứ nguồn gốc là những sản phẩm xanh, tôi mong rằng ngành thủ công mỹ nghệ sẽ có cơ hội phát triển vì xu hướng của thế giới là dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác