(ĐTTCO) - Khởi động tuần mới, thị trường vàng thế giới tiếp tục tăng và đến ngày hôm qua (6-7), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đã đạt mốc 1.362,3USD/ounce. Tại thị trường trong nước, xu hướng tăng cũng đã liên tục kéo dài từ ngày 24-6 và hôm qua vượt mốc 38 triệu đồng/lượng. Theo dự báo của một số tổ chức tài chính vàng sẽ còn tăng nhưng khuyến cáo người dân nên thận trọng trong đầu tư vì thị trường vàng trong nước chịu tác động của rất nhiều yếu tố.
Tâm lý tiếc nuối khi vàng tăng
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 4-7, giá vàng SJC đã bật tăng mạnh vượt mốc 36 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào-bán ra ở mức 35,75-36,25 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng lượng so với giá chốt phiên cuối tuần trước, chênh lệch giá mua - bán ở mức 500.000 đồng. Sáng 5-7, mặc dù giá thế giới có dấu hiệu đảo chiều ở giữa phiên, nhưng vàng trong nước vẫn trụ vững trên ngưỡng 36,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới khoảng 700.000 đồng/lượng.
NH Goldman Sachs hồi đầu năm dự báo vàng có thể xuống dưới 1.000USD/ounce trong năm nay, nhưng mới đây cũng sửa dự báo diễn biến giá vàng trong 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng tới tăng lên lần lượt các mức 1.300USD/ounce, 1.280USD/ounce và 1.250USD/ounce. Nguyên nhân vì hậu Brexit, xu hướng đổ xô đi tìm tài sản an toàn của nhà đầu tư sẽ còn kéo dài. |
Đến sáng hôm qua, khi thị trường thế giới tăng gần 12USD, các doanh nghiệp vàng trong nước đã mạnh tay điều chỉnh giá mua bán, tăng đột biến thêm 1,2 triệu đồng/lượng so với cuối phiên, đạt mức 37,4-38,1 triệu đồng/lượng. Đến cuối giờ trưa, giá vàng đã đạt mốc 37,7-38,4 triệu đồng/lượng. Và đến cuối buổi chiều giá vàng tiếp tục tăng phi mã 1,1 triệu đồng chiều mua vào và 1,4 triệu đồng chiều bán ra, lên mức 38,8-39,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua giá bán tăng lên 1 triệu đồng/lượng. Tính chung cả ngày, giá mua vào tăng 2,6 triệu đồng/lượng và giá bán ra tăng 2,9 triệu đồng/lượng. Từ đầu tuần đến nay, do đang có nhiều thông tin đa chiều nên biên độ giá mua bán được các doanh nghiệp giãn rất rộng để giữ an toàn trong bối cảnh giá trong nước thường tăng nhanh giảm mạnh. Trong khi đó, các giao dịch đầu tư lướt sóng ngắn hạn để hưởng chênh lệch cũng đang xuất hiện.
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam, giá vàng trong nước những ngày qua diễn biến tăng vì nhiều yếu tố. Thứ nhất do giá vàng thế giới tăng từ ngày 24-6 đến nay, từ hơn 33 triệu đồng/lượng đã tăng lên hơn 38 triệu đồng/lượng. Thứ hai, yếu tố không kém phần quan trọng do đồng bảng Anh xuống giá và USD lên giá, đồng thời đồng Eur xuống giá so với đồng bảng Anh và USD. Khi USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, trong khi gần 1 năm nay NHNN chưa có đợt điều chỉnh tỷ giá nào căn bản sau đợt điều chỉnh tỷ giá khá lớn khi Trung Quốc phá giá đồng NDT ngày 10-8-2015. Do đó, giá vàng trong nước tăng mạnh cũng xuất phát từ kỳ vọng tăng tỷ giá.
Thứ ba, không loại trừ sự ảnh hưởng Thông tư 203 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 siết chặt việc cho vay ký quỹ trong các công ty chứng khoán, điều này sẽ hạn chế rất lớn việc dùng tiền làm các đòn bẩy tài chính trong các công ty chứng khoán, làm cho dòng tiền nhàn rỗi bung ra. Thứ tư, khi giá vàng thế giới hay trong nước tăng khoảng 2-3 ngày liên tục rồi sau đó điều chỉnh giảm người dân vẫn chưa có thái độ tích cực đối với vàng, nhưng từ ngày 24-6 đến giờ giá vàng liên tục tăng nên người dân có tâm lý cần phải mua bán ngắn hạn. Cách đây 10 ngày, nếu mua vàng hiện tại đã lời gần 5 triệu đồng/lượng. Điều này tạo ra hiệu ứng tâm lý tiếc nuối và nhiều người đang dành một khoản nhất định để mua vàng. Yếu tố cuối cùng cũng không kém phần quan trọng là nguồn cung vàng miếng SJC không có từ khi có Nghị định 24 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt năm nay NHNN không tổ chức đấu thầu vàng miếng. Điều này làm cho nguồn cung vàng thực sự thiếu hụt, khi các doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh vàng bán vàng miếng ra nhưng không mua vào được, buộc lòng họ phải nâng giá mua và giá bán.
Thận trọng trong giao dịch
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 5-7, giá vàng giao ngay trên sàn Comex đã tăng vọt 1,5%, lên 1.358,7USD/ounce. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 3-2014. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 27%. Hiện các nhà đầu tư vẫn đang tìm đến kênh trú ẩn an toàn là vàng để tránh các rủi ro đối với kinh tế thế giới và cũng như tác động từ Brexit. Theo các chuyên gia Quỹ đầu tư Swiss Asia Capital của Singapore, nếu lợi suất trái phiếu ở các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì mức thấp, thậm chí âm như hiện nay, giá vàng có thể lập đỉnh trong 18 tháng tới. Thời điểm cuối tháng 6, Công ty quản lý tài sản Incrementum AG cũng đưa ra dự báo giá vàng sẽ tăng lên 2.300USD/ounce vào giữa 2018 (tương đương 62 triệu đồng/lượng) vì nợ của các nước đang ở mức rất cao và tiền được in ồ ạt.
Tuy nhiên vẫn có những ý kiến trái chiều với quan điểm này, NH Credit Suisse đưa ra quan điểm trung lập về giá vàng, giá mục tiêu trong 3 tháng tới là 1.300USD/ounce, nhưng trong 12 tháng tới giá vàng chỉ khoảng 1.150USD/ounce. Đồng thời, giới đầu tư vàng thế giới cũng cho rằng, xu hướng tăng giá của vàng không bền vững và đầu tư vào USD vẫn là lựa chọn tối ưu. Trong khi đó, các chuyên gia trong nước vẫn khuyến nghị nên thận trọng trong giao dịch vàng. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do tác động của sự kiện Brexit và giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, người dân không nên đầu tư quá 30% số tiền nhàn rỗi để đảm bảo tính an toàn vì có thể sau khi mua vào để đẩy giá lên, nhà đầu tư bán ra để chốt lời, khi đó nguồn cung tăng lên và giá vàng rớt xuống, người dân sẽ lỗ.
![]() |
Biến động liên tục của giá vàng nên đa phần các cửa hàng đều bỏ trống |
Ông Trần Thanh Hải cũng phân tích, xu hướng tăng giá vàng đang diễn ra có tính chất ngắn hạn, không bao giờ dài hạn được. Vào năm 2008-2011, Hoa Kỳ chìm ngập trong khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn và họ tung ra 3 gói kích cầu gần 4.000 tỷ USD. Do đó, xét về quy mô, đợt này ảnh hưởng không bằng đợt trước khi giá vàng tăng lên trên 1.900USD/ounce vào tháng 9-2011. Đồng thời xét về tác động trực tiếp của dòng ngoại tệ, đồng bảng Anh chỉ được xếp thứ 3 trong rổ ngoại tệ trên thế giới và chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với đồng USD. Chính vì vậy, ảnh hưởng của đồng bảng Anh đến tình hình tài chính toàn cầu yếu hơn rất nhiều so với đồng USD. Do đó, hậu Brexit trong chừng mực nào đó làm cho người ta bán tháo đồng bảng Anh, bán tháo đồng Eur làm cho giá vàng tăng cao vì vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người đang cầm giữ USD, Eur và đồng bảng Anh.