Bằng chứng là trong thời gian gần đây, các vùng này là tâm điểm của những “cơn sốt đất” tại TPHCM với hàng loạt dự án bất động sản được chào hàng, mua bán nhộn nhịp, hàng loạt căn nhà mới được xây dựng. Tuy nhiên…
Lệch quỹ đạo
Theo đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM, hướng phía Tây sẽ có khu trung tâm và dân cư khoảng 240ha tại Tân Kiên (huyện Bình Chánh), trải dài theo quốc lộ 1 và cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đến nay, do chưa có nguồn lực triển khai nên trung tâm này vẫn chưa hình thành, trừ một số khu dân cư nhỏ lẻ tự phát theo các tuyến đường nhánh.
Khu đô thị Tây Bắc (diện tích 500ha) được xác định là cực phát triển hướng Tây Bắc của TP, được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - xã hội nhưng hơn chục năm vẫn “mỏi mắt” ngóng nhà đầu tư, nên TPHCM cũng liên tục điều chỉnh quy hoạch để tìm giải pháp kêu gọi đầu tư khả thi hơn. Tương tự, ở Hóc Môn có các khu đô thị Tân Hiệp (290ha), khu dân cư Tân Thới Nhì (478ha), khu đô thị Đại học Viut (924ha)... được đánh giá là khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị đồng bộ, nhưng rồi cũng không kêu gọi được chủ đầu tư hoặc bị chủ đầu tư “bỏ của chạy lấy người”.
Đầu tư bài bản thì hiếm nhưng kiểu đầu tư “nghe hơi nồi chõ” của giới đầu cơ quanh các khu đô thị nói trên thì rất xôm tụ. Đầu năm 2017, khi có thông tin doanh nghiệp xin nghiên cứu tuyến đường ven sông Sài Gòn nối Củ Chi với trung tâm TP thì làn sóng đầu cơ đất đổ về các xã vùng Đông Bắc Củ Chi như Nhuận Đức, Phú Hòa Đông… đã đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng. Đến giữa năm thì giới đầu cơ đổ về Cần Giờ săn đất khi có thông tin TP đầu tư cầu Bình Khánh và quy hoạch khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Nóng nhất vẫn là khu vực Long Trường, Trường Thạnh (quận 9), khi có thông tin trung tâm hành chính quận 9 chuẩn bị chuyển về đường Lò Lu, giá đất tăng 1 - 2 lần nhưng bị “thổi” đến gấp 10 lần lên 30 - 40 triệu đồng/m², khiến người có nhu cầu ở thật sự quay cuồng trong mớ bòng bong giá, không biết đâu mà lần. Thậm chí, nhiều khu đất ruộng ngập trũng đã được đổ đất san nền cấp tập, những ngôi nhà cấp 4 nhanh chóng mọc lên sau vài đêm để hợp pháp hóa việc tách thửa.
Tiện ích hưởng ké, hạ tầng xài chung
Theo báo cáo của UBND huyện Hóc Môn, từ năm 2010-2015 đã phê duyệt 220 hồ sơ xin tách thửa, hình thành gần 2.300 nền đất mới. Điều kiện để tách thửa là phải hình thành đường giao thông và một số hạ tầng cơ bản như cấp - thoát nước. Trên thực tế, nhiều khu đất mới chỉ có vài hộ dân vào ở nhưng đường và cống thoát nước đã xuống cấp.
Chỉ cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ bản như đường, điện, nước… thì chủ đầu tư đã vô tư phân lô để bán từ vài chục đến cả trăm lô đất nền, trong khi hạ tầng xã hội như trường học, công viên, trạm y tế… thì Nhà nước phải gánh hoặc xài ké của các khu đô thị khác.
Oái oăm là những khu ăn theo thì tình hình mua bán, xây dựng nhộn nhịp, còn khu đô thị chính thì vẫn đìu hiu. Dự án khu đô thị Đông Tăng Long đã khởi công từ năm 2005 với diện tích lớn nhất khu Đông là 160ha, dân số dự kiến 35.000 người, từng được kỳ vọng sẽ tạo nên một đô thị hoàn chỉnh từ hạ tầng kỹ thuật đến tiện ích đô thị cao cấp.
Thế rồi hơn chục năm sau, đô thị hoa mỹ theo lời tuyên bố của chủ đầu tư chẳng thấy đâu, cả khu đất bạt ngàn chỉ lèo tèo vài chục hộ, nhiều người dân được bố trí suất tái định cư cũng bán chuyển đi nơi khác. Nhiều căn hộ và biệt thự xây xong bỏ phế, cỏ mọc um tùm, hạ tầng đầu tư dở dang, số đã hoàn thiện không được bảo trì nên xuống cấp.
Từ một siêu đô thị, cái tên Đông Tăng Long hiện nay gắn với biệt danh “thành phố ma”. Chẳng biết đến khi nào các dự án phân lô ăn theo mới được hưởng ké các tiện ích của đô thị mới cao cấp.
Tuy vậy, “hàng xóm” của các đại dự án vẫn cứ là một ưu thế cạnh tranh giữa các dự án phân lô!