Vành đai 3: Dốc sức cho cung đường chiến lược phía nam

(ĐTTCO)-Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đã được Chính phủ quyết nghị triển khai và giao 4 tỉnh, thành phố thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu cụ thể kế hoạch triển khai, mốc tiến độ tổ chức thi công bắt đầu từ cuối tháng 6 tới, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 6/2026.
Vành đai 3: Dốc sức cho cung đường chiến lược phía nam

Cả 4 địa phương có dự án đi qua đều quyết tâm hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng để khởi công theo đúng mốc tiến độ đề ra.

Tuyến đường Vành đai 3 dài hơn 90km đi qua ba tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần liên kết vùng giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đây được coi là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay, cung đường chiến lược ở khu vực phía nam, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị-công nghiệp, không chỉ ở 4 địa phương có dự án đi qua, mà còn tác động cho toàn vùng kinh tế phía nam.

Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài 91,64km (trong đó đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch dài 15,3km đã được đầu tư quy mô 6 làn xe), chia thành tám dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Triển khai bồi thường, tái định cư

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường Vành đai 3 có chiều dài khoảng 47,5km, đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Đến nay, công tác chuẩn bị để khởi công dự án kết nối Vùng trọng điểm phía nam này đang được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh dồn sức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu khởi công trước tháng 6/2023.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 1/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đồng loạt ban hành thông báo thu hồi đất cho 1.669 trường hợp và tập trung triển khai đến từng hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng trong dự án.

Qua tỉnh Đồng Nai, dự án đường Vành đai 3 có chiều dài gần 11,3km qua địa bàn huyện Nhơn Trạch. Đến nay, chủ đầu tư các dự án thành phần đã hoàn thành công tác xác định ranh giới giải phóng mặt bằng, bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng cho Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch tiến hành đo đạc, kiểm đếm.

Để phục vụ tái định cư các hộ dân bị giải tỏa trắng, tỉnh Đồng Nai giao huyện Nhơn Trạch chủ động xây dựng các khu tái định cư tại xã Phú Đông, Phước An, Phú Hội với tổng số gần 2.100 lô tái định cư. Hiện các khu tái định cư đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện, nhằm bảo đảm đủ điều kiện bố trí tái định cư cho người dân vùng giải tỏa của dự án.

Tại Bình Dương, đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh có chiều dài 26,6km qua thành phố Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một, bắt đầu từ nút giao Tân Vạn đến cầu Bình Gởi qua sông Sài Gòn nối vào đoạn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Do đường Vành đai 3 có đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 15,3km (đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe), nên chiều dài toàn tuyến cần đầu tư chỉ còn 11,43km (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi).

Đường Vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư khoảng 19.280 tỷ đồng, trong đó dự án xây lắp trị giá 5.752 tỷ đồng và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư 13.528 tỷ đồng; tổng diện tích đất thu hồi khoảng 85,86ha với gần 1.600 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng.

Đến nay, các địa phương đã bàn giao thông báo thu hồi đất cho phần lớn các trường hợp có đất phải thu hồi của dự án. Hiện công tác đo đạc đất đai, rà soát, chỉnh lý, kiểm kê tài sản, xây dựng dự thảo chứng thư định giá đất bồi thường,... đang được khẩn trương hoàn thành. Ngày 15/2 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự án thành phần đầu tư xây dựng.

Dự án đường Vành đai 3 đi qua Long An nằm trên địa bàn huyện Bến Lức, gồm hai dự án thành phần: Dự án thành phần 7 xây dựng 6,37km, tổng mức đầu tư 3.040 tỷ đồng, dự án thành phần 8 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phạm vi giải phóng mặt bằng 6,84km với tổng vốn 1.168 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bến Lức, Trần Văn Tươi cho biết: Có 380 hộ dân ở các xã Mỹ Yên, Tân Hòa, Tân Bửu bị ảnh hưởng.

Thời điểm này, huyện đã ban hành 319 thông báo thu hồi đất đến các hộ, trong đó xã Tân Bửu 245/298 hộ, Tân Hòa 24/25 hộ và xã Mỹ Yên 50/57 hộ. Theo kế hoạch, đơn vị thẩm định giá đã hoàn thành thẩm định, dự kiến trình Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phê duyệt hệ số điều chỉnh và chính sách bồi thường trong tháng 2 này.

Sang đầu tháng 3, sẽ tổ chức họp dân lấy ý kiến dự thảo phương án bồi thường; cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, sẽ tiến hành phê duyệt phương án bồi thường, ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ của từng hộ gia đình và cá nhân. Từ nửa cuối tháng 4 đến hết tháng 5, tiến hành chi trả tiền bồi thường, dự kiến bàn giao 70% diện tích đã giải phóng mặt bằng cho các đơn vị, triển khai thi công trong tháng 6.

Người dân đồng thuận

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đến nay huyện đã ban hành 300 thông báo thu hồi đất cho các trường hợp ảnh hưởng của dự án Vành đai 3 thuộc bốn xã; đồng thời, rà soát pháp lý để ban hành thông báo bổ sung cho các trường hợp còn lại thuộc diện thu hồi đất của dự án.

Tuyến đường Vành đai 3 dài hơn 90km đi qua ba tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần liên kết vùng giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đây được coi là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay, cung đường chiến lược ở khu vực phía nam, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị-công nghiệp, không chỉ ở 4 địa phương có dự án đi qua, mà còn tác động cho toàn vùng kinh tế phía nam.

Qua đo vẽ hiện trạng, thống kê cụ thể diện tích đất ở và đất nông nghiệp phải thu hồi của huyện Hóc Môn khoảng 62,1ha. Bà Nguyễn Thị Hai, ngụ 87/1A, ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết, một phần diện tích đất của nhà bà (khoảng 67m2) nằm trong dự án đường Vành đai 3 đã nhận được quyết định thu hồi đất vào tháng 10/2022.

Nhận thức rõ đây là dự án phục vụ phát triển hạ tầng của thành phố cũng như hình thành một tuyến đường giao thông có quy mô tầm cỡ, nên gia đình bà hoàn toàn đồng tình chủ trương Quốc hội ban hành, sẵn sàng giao đất khi thành phố ra quyết định thu hồi và có chính sách đền bù, tái định cư. Để người dân thật sự yên tâm, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị khu tái định cư tại chỗ để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng giúp người dân an cư, sớm ổn định cuộc sống.

Tại thành phố Thủ Đức, điểm tái định cư cho người dân được bố trí ở khu tái định cư phường Long Bình-Long Thạnh Mỹ; huyện Củ Chi bố trí tại xã Tân Thạnh Tây; huyện Hóc Môn bố trí ở xã Xuân Thới Đông; huyện Bình Chánh bố trí ở xã Phạm Văn Hai. Linh hoạt và tạo thuận lợi cho người dân vùng giải tỏa an cư, những trường hợp không đủ điều kiện bố trí tái định cư, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng chính sách và chuẩn bị quỹ căn hộ chung cư để bán cho hộ dân; với những trường hợp khó khăn sẽ được xem xét giải quyết cho trả chậm, trả góp trong thời gian dài.

Tại tỉnh Đồng Nai, bà Lê Thị Tình, ngụ ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, cũng có đất bị thu hồi phục vụ dự án cho biết: “Vì lợi ích chung của Nhà nước và người dân, tôi đồng thuận và ủng hộ việc thi công dự án, chỉ mong Nhà nước có chính sách đền bù thỏa đáng, người dân bị thu hồi đất chúng tôi được bố trí nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi đang sinh sống”.

Còn ông Nguyễn Văn Thủy (khu phố Thuận Lợi, phường An Thạnh, thành phố Thuận An, Bình Dương) cho rằng, ông và người dân ở địa phương rất đồng tình với chủ trương xây dựng đường Vành đai 3 vì dự án sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho vùng, cho tỉnh và cho chính người dân. Ông Thủy cũng mong muốn được đền bù với giá hợp lý, việc tái định cư được bố trí sớm để người dân ổn định cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Hoàng, khi tiến hành lấy ý kiến nhân dân trong thời gian qua, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ chủ trương thực hiện dự án đường Vành đai 3 nhằm phục vụ cho lợi ích chung của vùng, của tỉnh. Đây là một thuận lợi rất lớn trong quá trình triển khai thu hồi đất.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, các khu tái định cư tại xã Phú Đông, Phước An, Phú Hội đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm cho người dân được di dời nơi ở trước khi thu hồi đất.

“Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng các khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân. Địa phương sẽ rà soát tiến hành bồi thường một cách thỏa đáng, đúng quy định, tạo đồng thuận cao trong nhân dân có đất bị thu hồi. Quá trình tổ chức cấp tái định cư thực hiện chặt chẽ, bảo đảm công bằng, đúng các quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Hoàng khẳng định.

Các tin khác