Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN
Gia tăng bệnh tay chân miệng
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa cứu sống kịp thời bé gái 3 tuổi (ngụ Long An) vì mắc TCM. Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, biếng ăn, chảy nước miếng nhiều vì loét họng, lòng bàn tay, bàn chân không có hồng ban bóng nước. Qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị phù phổi cấp, suy hô hấp do biến chứng TCM. Bệnh nhi nhanh chóng được các y bác sĩ cho thở máy, truyền Gamma globulin (huyết thanh)... Nhờ điều trị tích cực, bé gái đã hồi phục, ổn định sức khỏe.
Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng liên tục tiếp nhận trẻ mắc TCM. Từ giữa tháng 4 đến nay, Khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện luôn có trung bình 9-10 trẻ nằm điều trị nội trú. Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan, Khoa Nhiễm - Thần Kinh, cho biết, hiện các ca mắc TCM nhập viện chủ yếu ở mức độ nhẹ và vừa. Tuy nhiên, khi số trẻ mắc bệnh gia tăng sẽ kéo theo các ca nặng xuất hiện.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bệnh TCM xảy ra chủ yếu ở tuổi mầm non. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, môi trường không đảm bảo, đặc biệt vệ sinh tay với xà phòng chưa thực hiện thường xuyên. Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh TCM ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da (chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông).
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, nhưng ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, nên theo các chuyên gia y tế, cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. “Hiện Sở Y tế đã phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM trong trường học. Song song đó là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, nâng cao ý thức phòng bệnh cho các phụ huynh. Phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý giữ vệ sinh nhà ở, khử khuẩn thường xuyên sàn nhà, đồ chơi, các bề mặt trẻ hay chạm vào để phòng bệnh”, bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo.
Dự báo bùng phát sốt xuất huyết
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 15.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm nhẹ, nhưng số tử vong tăng 1 trường hợp.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: THÀNH SƠN
Ghi nhận tại Hà Nội, số người mắc SXH phải nhập viện điều trị gần đây có chiều hướng gia tăng, trong đó có không ít trường hợp biến chứng do nhập viện muộn. Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như: chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ gây tử vong.
Còn tại TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 4.500 ca mắc SXH, trong đó có 109 ca nặng và 4 trường hợp tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tử vong theo báo cáo của các bệnh viện là do bệnh nhân được phát hiện và nhập viện trễ. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca SXH đến khám và nhập viện tăng gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc SXH, trong đó có nhiều ca bị sốc nặng, tổn thương đa cơ quan.
PGS-TS-BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, SXH là bệnh lưu hành hàng năm và giai đoạn cao điểm của bệnh thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau. Cùng với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch, dự báo năm 2022, bệnh SXH sẽ rất phức tạp và ngành y tế cần có những hành động ngay nhằm hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong, cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.
Đồng quan điểm, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, năm nay công tác phòng chống dịch SXH sẽ khó khăn vì sau hơn 2 năm đã dồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tập huấn cho các cơ sở y tế. Trong đó, chú trọng trang bị kiến thức để nhân viên y tế cơ sở nhận diện sớm bệnh SXH, tránh bỏ sót gây chậm trễ điều trị. Các biện pháp dự phòng cũng được triển khai, trong đó có biện pháp xử phạt cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 117. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông cũng được tăng cường để người dân hiểu được tình hình dịch bệnh, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhận biết sớm dấu hiệu bệnh để đưa người bệnh kịp thời đến các cơ sở y tế. Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM cũng thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị SXH.
Tại một số địa phương phía Nam như An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Sóc Trăng… từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận hàng ngàn ca mắc SXH. Đáng chú ý, tỷ lệ SXH nặng của khu vực phía Nam tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 3 lần so với cùng kỳ giai đoạn 2018-2021. |
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, không để “dịch chồng dịch”, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hoạt động tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh TCM, sởi, cúm, tiêu chảy, SXH, viêm não. Các địa phương phải tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. |