Hàng tồn kho tại các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) hiện lên tới cả chục ngàn tỷ đồng, trong đó riêng ngành gốm sứ là 3.500 tỷ đồng.
Chưa bao giờ doanh nghiệp VLXD lại bế tắc trong xử lý đầu ra cho hàng tồn như lúc này.
Quá bức xúc trước thể trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp khi số vốn ứ đọng trong hàng hoá tồn kho của doanh nghiệp gốm sứ lên tới hơn 40 triệu m2 (tương đương 3.500 tỷ đồng), ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam cho hay, để giải phóng hàng tồn kho, Chính phủ phải sớm có chính sách kích cầu thị trường bất động sản, xây dựng cơ bản...
Đây là những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp cần giải cứu, chứ không phải vấn đề vốn.
Gạch bê tông khí chưng áp (được làm từ vôi, cát, thạch cao, xi măng được sản xuất theo công nghệ khí chưng áp, siêu nhẹ, có độ bền cao), cũng rơi vào tình trạng bi đát. Cả nước hiện có 12 nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp, công suất 1.500 m3/năm đang hoạt động, nhưng chỉ sử dụng 15% công suất.
Theo ông Kiều Văn Mác, Chủ tịch HĐQT Công ty Bê tông khí chưng áp Sông Đà - Cao Cường, so với các vật liệu khác, gạch bê tông khí phải chịu khó khăn “kép” trong tiêu thụ.
Đó là nhu cầu thị trường giảm và tâm lý của người tiêu dùng chưa sẵn sàng sử dụng loại vật liệu mới này. Với mức tiêu thụ chỉ 15% công suất, hiện 12 nhà máy này đều ở trong tình trạng lỗ và khả năng phải đóng cửa là rất lớn.
Do làm ăn thua lỗ, cổ phiếu SCL của Công ty Bê tông khí chưng áp Sông Đà - Cao Cường đã bị liệt vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ ngày 20-8-2012. Lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính bán niên 2012 có soát xét của Sông Đà Cao Cường bị âm hơn 2,7 tỷ đồng.
Bi đát hơn cả trong nhóm các mặt hàng VLXD là kính xây dựng. Ông Nguyễn Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Kính Việt Nam cho biết, tồn kho của 4 nhà máy kính nổi tính đến hết tháng 6-2012 là 264.000 tấn, tương đương 5 tháng sản xuất.
Báo cáo tài chính của các nhà máy kính nổi đều trong tình trạng âm tăng dần. Đơn cử, Công ty cổ phần Viglacera Đáp Cầu bị lỗ trong 7 tháng đầu năm 2012 trên 20 tỷ đồng.
Sức mua thị trường xuống thấp, hàng tồn kho tăng nhanh, nên điều mà các doanh nghiệp VLXD mong được tháo gỡ nhất lúc này là làm thế nào để kích cầu thị trường xây dựng.
Vì vậy, một trong những nội dung kiến nghị nhận được sự đồng tình của các ngành, được Hội VLXD Việt Nam đưa ra, là đề nghị Nhà nước sớm có chính sách kích cầu tích cực, công trình xây dựng ở trong nước phải sử dụng VLXD trong nước sản xuất, bất kể bằng nguồn vốn nào, phải sử dụng VLXD nội địa, hạn chế tối đa hàng nhập khẩu.
Đặc biệt, các công trình tổng thầu xây lắp EPC nước ngoài, các công trình vốn nước ngoài, công trình cao cấp do nước ngoài thiết kế đều phải sử dụng sản phẩm nội địa.
Đối với việc nhập khẩu, đề nghị nên rà soát, bổ sung các hàng rào kỹ thuật, hạn chế nhập khẩu VLXD trong nước đã dư thừa…
Đặt giả thiết, nếu các kiến nghị nêu trên được chấp thuận, thì đó cũng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), doanh nghiệp thuộc mọi ngành hàng phải chấp nhận cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, cũng như hàng hóa do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất.
Nhìn rộng hơn, những khó khăn trong khủng hoảng, khiến doanh nghiệp giảm sản lượng lại là cơ hội để doanh nghiệp có điều kiện “chăm sóc” chất lượng sản phẩm qua việc xem xét lại quy trình sản xuất, quy trình tiếp nhận nguyên vật liệu đầu vào, đầu tư nghiên cứu để cải tiến chất lượng sản phẩm. Nếu doanh nghiệp nào không trụ được, phải đóng cửa thì đó cũng là hệ quả của sự sàng lọc.