Như vậy còn 18,3 tỷ USD vốn vay đã ký kết cần giải ngân hết trong giai đoạn 2018-2026, trong đó tập trung vào giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, theo hạn mức vay nước ngoài đã được Quốc hội phê duyệt, giai đoạn 2016-2020 hạn mức vay vốn ODA cho đầu tư phát triển 300.000 tỷ đồng, trong 2 năm 2016-2017 đã vay 124.074 tỷ đồng, hạn mức vay ODA còn lại cho giai đoạn 2018-2020 là 175.926 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD).
Như vậy với 18,3 tỷ USD chưa thực hiện giải ngân, nếu bố trí hết các dự án ODA đã được ký kết từ năm 2016 đến nay vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như các dự án mới của các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt đề xuất vay, đề xuất chủ trương đầu tư, đang chuẩn bị đàm phán ký kết và giải ngân một phần trong những năm tới, thì hạn mức vay vốn nước ngoài của Quốc hội sẽ bị vượt.
Đó là chưa tính đến các khoản vay nước ngoài được kiến nghị chuyển từ vốn Chính phủ vay về cho vay lại sang vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư các dự án của Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI).
Huy động và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đã có những đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất điện, xử lý nước thải, phát triển nông nghiệp nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, việc quản lý, sử dụng, phân bổ vốn vay hiện nay còn dàn trải, chưa gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn và hạn mức vay nước ngoài được Quốc hội phê duyệt.
Nhiều dự án vay vốn ODA chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, bố trí vốn đối ứng không đầy đủ, kịp thời. Một số dự án vay về cho vay lại gặp khó khăn trong trả nợ, phải tái cơ cấu hoặc Chính phủ phải tạm ứng nguồn vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay. Một số chương trình, dự án không được bố trí đủ dự toán, giải ngân vốn chậm.
Nguyên nhân được Bộ Tài chính xác định do không rõ ràng về cơ chế phân bổ vốn, các chủ đầu tư dự án ODA được NSNN cấp phát nên không quan tâm đến trả nợ, chưa giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, tiến độ dự án kéo dài, làm tăng lãi suất, phí cam kết. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên không còn nhận được nguồn vay IDA (nguồn vốn vay ưu đãi dành cho nước nghèo và kém phát triển của WB), nguồn vốn vay nước ngoài hiện nay chủ yếu vay với lãi suất gần với lãi suất thị trường.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính đã dự thảo hàng loạt chủ trương, chính sách lớn trong huy động, quản lý và sử dụng vốn vay.
Đó là các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải được huy động theo kế hoạch 5 năm, đồng bộ với kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch trả nợ 5 năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt; việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay phải đáp ứng quy định Luật Quản lý nợ công; việc phân bổ, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chỉ sử dụng chi cho đầu tư phát triển, không sử dụng chi thường xuyên; vốn vay được sử dụng dưới 2 hình thức cấp phát cho chương trình, dự án chi của NSNN và cho địa phương vay lại; cơ quan tài chính kiểm soát chi; phải bố trí đủ vốn đối ứng; sửa Luật Đầu tư công và ban hành nghị định riêng về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi.