Việc tranh chấp lẫn nhau giữa ban lãnh đạo CTCP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận (Công ty Khoáng sản Bình Thuận) trong những ngày gần đây đã làm hoạt động của công ty này tê liệt.
Theo đơn phản ánh của bà Hoàng Thị Lý, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Khoáng sản Bình Thuận, cuối tháng 12-2012, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Khoáng sản Bình Định, đã tự ý làm thủ tục khắc lại con dấu mới và cho người chiếm giữ công ty.
Ngày 25-12, ông Nguyễn Thành Long ra thông báo về việc sử dụng con dấu mới của Công ty Khoáng sản Bình Thuận kể từ 14 giờ cùng ngày. Ai sử dụng con dấu cũ là vi phạm pháp luật, công ty không chịu trách nhiệm. Cũng từ đó, nội bộ công ty xáo trộn, đồng thời gửi đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đã có công văn khẩn gửi Công an tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Hàm Thuận Nam kiểm tra sự việc tại Công ty Khoáng sản Bình Thuận, giải quyết hoặc đề xuất với UBND tỉnh xử lý theo đúng pháp luật. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10-1-2013.
Theo tìm hiểu, tháng 6-2008, Công ty Khoáng sản Bình Thuận được chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với 3 cổ đông chính: CTCP Thương mại và Đầu tư Hợp Long (Công ty Hợp Long), do ông Nguyễn Thành Long làm đại diện (góp 60% vốn điều lệ); Công ty liên doanh Khoáng sản Quốc tế Hải Tinh, do bà Hoàng Thị Lý làm đại diện (góp 35% vốn điều lệ); cổ đông cá nhân ông Nguyễn Ngọc Long (góp 5% vốn điều lệ).
Trong đó, toàn bộ vốn góp của Công ty Hợp Long bằng quyền khai thác khoáng sản ilmenit, ziccon mỏ Suối Nhum, thuộc xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tương đương trị giá 2 triệu USD, quy đổi ra Việt Nam đồng tại thời điểm góp vốn là 32 tỷ đồng và ông Long giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Khoáng sản Bình Thuận.
Ngày 9-6-2009, HĐQT Công ty Hợp Long đã tiến hành họp và đi đến thống nhất ra nghị quyết, dùng Sổ chứng nhận sở hữu cổ phần phổ thông do Công ty Khoáng sản Bình Thuận phát hành cho công ty Hợp Long thế chấp cho bà Hoàng Thị Lý để vay vốn.
Theo Hợp đồng (không số) về việc vay tiền và thế chấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần phổ thông ngày 16-6-2009, bà Hoàng Thị Lý đồng ý cho Công ty Hợp Long vay số tiền 60 tỷ đồng, tương đương giá trị quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường 3,3 triệu USD. Đồng thời, bà Lý đồng ý cầm cố tài sản của Công ty Hợp Long bằng giấy chứng nhận sở hữu cổ phần Công ty Khoáng sản Bình Thuận của Hợp Long.
Thời hạn vay từ ngày 16-6-2009 đến ngày 12-12-2012, lãi suất vay thế chấp là 0%. Trong thời điểm này ông Nguyễn Thành Long đã ủy quyền cho bà Hoàng Thị Lý điều hành, quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của Công ty Khoáng sản Bình Thuận theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty đã quy định. Thời hạn ủy quyền bằng với thời hạn trong hợp đồng vay vốn giữa 2 bên.
Theo bà Hoàng Thị Lý, tại Điều 8.2 của Hợp đồng vay tiền và thế chấp đã quy định rõ về xử lý vi phạm hợp đồng: “Nếu bên B (Công ty Hợp Long) không trả tiền đúng theo thời hạn (ngày 12-12-2012), thì tài sản có giá của bên B (sổ chứng nhận sở hữu cổ đông phổ thông trên) đương nhiên thuộc quyền sở hữu của bên A (bà Hoàng Thị Lý). Khi đó, bên B phải tiến hành ngay các thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần ghi trên Sổ chứng nhận sở hữu cổ đông phổ thông của bên B tại Công ty Khoáng sản Bình Thuận cho bên A một cách vô điều kiện tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Thuận”.
Thế nhưng, đến thời hạn, ông Long không trả lại số tiền đã vay, nhưng cũng không thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần như cam kết trong hợp đồng, với lý do Hợp Long chỉ vay tiền chứ không bán cổ phần.