(ĐTTCO) - Để thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, các NHTM nhà nước đã đăng ký khoản vốn 10.000 tỷ đồng cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Dù bắt đầu triển khai từ cuối tháng 8-2014 và thời gian thực hiện đến hết năm 2016, nhưng đến giữa tháng 8-2016, dư nợ thực tế mới chỉ đạt 4.288 tỷ đồng vì nhiều vướng mắc xảy ra khiến nhiều trường hợp không tiếp cận được vốn ưu đãi này.
Khó tiếp cận
Cuối tháng 8 có thông tin một số NH ở Hà Tĩnh từ chối cho ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67. Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2016, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, đã cho biết sau khi Nghị định 67 ra đời, NHNN rất tích cực triển khai và ban hành kịp thời thông tư hướng dẫn về các thủ tục vay vốn theo đúng quy định, đối tượng và các nội dung của Nghị định 67. NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, chỉ đạo các TCTD phải thực hiện quyết liệt nghị định này và tổng hợp những vướng mắc khó khăn để xử lý.
Tại Việt Nam, khai thác thủy hải sản diễn ra tràn lan, không hoạt động theo chuỗi, sản lượng, chất lượng lẫn đầu ra không ổn định. Một khi vẫn chưa được quy hoạch tiến đến chuỗi khép kín, hoạt động ngư dân vẫn còn rủi ro, nhu cầu tiếp cận vốn hiện đại hóa phương tiện đánh bắt khó được đáp ứng. |
Theo số liệu của các TCTD đến ngày 15-8, đóng tàu mới và nâng cấp tàu đạt 663 tàu, tổng số tiền cam kết cho vay 6.574 tỷ đồng và dư nợ thực tế 4.288 tỷ đồng. Về một số trường hợp ở Hà Tĩnh chủ tàu bị từ chối cho vay, NHNN đã cập nhật thông tin của lãnh đạo chi nhánh NHNN tỉnh Hà Tĩnh cho thấy một số trường hợp chủ tàu bị từ chối cho vay vì trong quá trình đánh giá, thẩm tra phương án vay vốn thấy rằng khả năng thu hồi vốn của người dân không khả thi. Tuy nhiên, chi nhánh NHNN tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các TCTD báo cáo cụ thể và cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm phương án giải quyết.
Khó khăn NHNN nêu ra trong việc triển khai Nghị định 67 tại tỉnh Hà Tĩnh cũng là khó khăn chung của các TCTD lẫn ngư dân cả nước. Tháng 6-2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã gửi văn bản kiến nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai Nghị định 67, trong đó nêu vấn đề khó khăn xuất phát từ phía các NHTM. Quảng Ngãi đã phê duyệt cho vay 103 trường hợp, 18 trường hợp đã được vay vốn phục vụ việc đóng tàu đánh cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng cũng đã có 25 trường hợp xin rút hồ sơ vì gặp trở ngại khi làm việc với NH, đồng thời NH đã từ chối cho vay 6 trường hợp.
Tại Phú Yên, theo kế hoạch năm 2016 sẽ đóng mới 170 tàu nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành 33 tàu, trong đó chỉ có 16 tàu đóng mới được vay vốn ưu đãi, với tổng kinh phí gần 199 triệu đồng. Tỉnh Khánh Hòa cũng đề ra kế hoạch đóng mới 160 tàu và 15 tàu dịch vụ hậu cần trong năm nay, đã có 42 tàu được tỉnh phê duyệt vay vốn đóng mới, song chỉ 5 tàu cá được đóng mới, 2 tàu cải hoán. Theo các địa phương, nguyên nhân chủ yếu do NH còn quá chặt chẽ trong khâu xét duyệt thủ tục cho ngư dân vay vốn. Ngược lại, NH cho rằng nhiều ngư dân không đáp ứng được phần vốn đối ứng theo yêu cầu nên không thể cho vay. 2 trường hợp trong số các hồ sơ bị từ chối vay vốn tại Quảng Ngãi cũng được Vietcombank giải trình do thẩm định phương án sử dụng vốn vay không hiệu quả, khách hàng không đủ khả năng trả nợ nên NH không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn.
![]() |
Ảnh minh họa. |
NH sợ rủi ro
Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2014. Để triển khai, NHNN đã ban hành Thông tư 22/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo nghị định này. Theo đó, ngư dân sẽ có điều kiện tiếp cận gói tín dụng 10.000 tỷ đồng các NH đăng ký thực hiện để đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ với lãi suất ưu đãi 7%/năm, trong đó NHNN cấp bù lãi suất từ 4-6%/năm và miễn lãi suất trong năm đầu tiên. Đây là một ưu đãi thiết thực vì trước nay ngư dân chủ yếu đóng tàu đánh bắt xa bờ thông qua vốn tự có hoặc vay thương mại với lãi suất cao. Đã có nhiều kỳ vọng nếu chương trình triển khai tốt, nguồn vốn vay sẽ được tăng cường thêm để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ngược lại kỳ vọng này, sau hơn 2 năm thực hiện dư nợ cho vay hiện vẫn chưa đạt được phân nửa nguồn vốn dự kiến, trong khi 2016 là năm cuối cùng thực hiện Nghị định 67.
Vào thời điểm vừa triển khai Nghị định 67, các NHTM quốc doanh đã thể hiện sự tích cực khi mỗi NH đăng ký khoản vốn hàng ngàn tỷ đồng cho ngư dân vay để khai thác nguồn lợi từ biển. Tuy nhiên, NHNN cũng nhận định NH nhiệt huyết cao nhưng lo cho an toàn cũng cao. Một chuyên gia kinh tế cho biết, sở dĩ NH lo vì nhìn vào kinh nghiệm thực hiện chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997, cho vay đóng tàu, mua ngư cụ, lưới đánh bắt với tài sản đảm bảo là tàu, ghe hình thành từ vốn vay. Tài sản đảm bảo là tài sản di động, tỷ lệ rủi ro cao do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như thời tiết hay người vay thua lỗ, không trả được nợ.
Hơn nữa, ngư dân đánh bắt xa bờ nên khai thác ở đâu sẽ bán tại đó, dẫn đến NH không quản lý được nguồn hàng và dòng tiền. Điều này khiến kết quả triển khai chương trình này không khả quan, tỷ lệ thu hồi nợ chỉ đạt khoảng 40%, còn 60% là nợ đọng, nợ xấu, nợ tổn thất. Do đó, khi triển khai cho vay theo Nghị định 67, dễ nhận thấy các NH đang thận trọng hơn. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bù lãi suất chứ không tái cấp vốn, NH huy động vốn và cho vay phải chịu trách nhiệm thu hồi vốn vay nên cũng cẩn trọng trong thẩm định hồ sơ vay vốn và đánh giá năng lực trả nợ của chủ tàu. Những yếu tố này khiến cung cầu vốn không thông suốt như mong đợi.