Về đâu gạo Việt?

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 395USD/tấn, thấp hơn 40-50USD/tấn so với Ấn Độ, Pakistan. Quý I, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức giá ký trong các hợp đồng thấp kỷ lục khiến nhiều DN rơi vào cảnh lỗ vốn.

Quý I năm nay khép lại với nhiều thông tin không vui dành cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Hiện giá gạo Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar (nước có giá bán gạo thấp nhất thế giới), trong khi thấp hơn Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 395USD/tấn, thấp hơn 40-50USD/tấn so với Ấn Độ, Pakistan. Quý I, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức giá ký trong các hợp đồng thấp kỷ lục khiến nhiều DN rơi vào cảnh lỗ vốn.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc DN Việt Nam buộc phải xuất khẩu với mức giá thấp kỷ lục. Thứ nhất, do Thái Lan và Ấn Độ xả kho gạo nên giá bán ra khá rẻ buộc chúng ta phải giảm giá theo. Thứ hai, những thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam ngày càng giảm lượng gạo nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Thực tế này khiến gạo Việt Nam trong quý I chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. Hiện nước này đang nhập khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, khi xuất sang thị trường châu Phi, gạo Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với Ấn Độ và Pakistan vì phí vận chuyển cao nên buộc các DN phải hạ giá bán mới có được hợp đồng.

Việc giá gạo Việt Nam thấp kỷ lục còn do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hủy bỏ việc quản lý giá xuất khẩu bằng giá sàn để “DN hạ giá bán, giải phóng hàng trong nước” - ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết như vậy. Điều này vô tình đã khiến các DN lấn sâu hơn vào việc bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc dù phía hiệp hội cho hay tình hình trong quý II sẽ khả quan hơn nhờ một số hợp đồng từ các nước như Philippines, Guniea… tuy nhiên, các DN cũng không khỏi lo lắng vì đến khoảng tháng 5 vụ hè thu sẽ chín, giá xuất khẩu sẽ còn giảm nữa.

Có thể nói, chưa bao giờ tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Chỉ riêng việc Trung Quốc là đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam trong quý I đã gây nhiều lo lắng. Vì thực ra khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc, DN Việt Nam rất hay bị ép giá và thực tế này đã diễn ra trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, việc VFA bỏ quản lý bằng giá sàn liệu có nên hay chăng? Nếu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra ngoài tầm kiểm soát của hiệp hội thì việc Việt Nam “soán ngôi” Myanmar trở thành nước có mức giá bán gạo thấp nhất thế giới hoàn toàn có thể xảy ra. Và hậu quả của nó rất khó lường. Những hạt gạo Việt Nam rồi sẽ đi về đâu.

Tất nhiên, cũng thật khó cho DN trong bối cảnh khó khăn bủa vây họ buộc phải tìm đường “giải cứu” chính mình. Nhưng có lẽ các DN cũng nên cân nhắc lời khuyến cáo của VFA là không nên vội vàng ký thêm hợp đồng mới với giá thấp, mà phải cân nhắc, chờ thời điểm có thêm những đơn hàng ổn định hơn.

Các tin khác